Ngành ngân hàng lạc quan trong năm 2018

(BĐT) - Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng lớn (VCB, BID, VPB…) đã tăng hết biên độ trong phiên giao dịch ngày 25/1. Không chỉ là phản ứng tích cực với kết quả kinh doanh đột biến năm 2017, điều này còn cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư vào hoạt động ngân hàng trong thời gian tới. Điều gì khiến các ngân hàng lột xác trong thời gian vừa qua?
Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của toàn hệ thống ngân hàng tăng khoảng 40%. Ảnh: Nhã Chi
Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của toàn hệ thống ngân hàng tăng khoảng 40%. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều ngân hàng báo lãi kỷ lục

Theo giới chuyên gia, hoạt động của các nhà băng trong năm qua đi vào thực chất hơn. Việc thoái vốn, hoàn nhập dự phòng, xử lý dứt điểm nợ xấu là nguyên nhân đem đến lợi nhuận đột biến tại một số ngân hàng. Lợi nhuận tăng mạnh nhờ các ngân hàng đẩy mạnh mảng bán lẻ cũng như thu phí các dịch vụ.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt khoảng 19%, tương đương với năm 2016. Điều này đã hỗ trợ rất lớn cho tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng. Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lợi nhuận trước thuế năm 2017 của toàn hệ thống ngân hàng tăng khoảng 40%.

Dẫn đầu lợi nhuận trong ngành ngân hàng là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Báo cáo tài chính hợp nhất của Vietcombank cho biết, thu nhập lãi thuần đạt 21.937 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, dịch vụ mang về 2.541 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng 20,6%, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 2.042 tỷ đồng (tăng 10,4%). Mảng chứng khoán đầu tư lỗ gần 19,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 89,5 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động chỉ tăng 19,4% so với năm 2016, làm cho lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt kỷ lục 11.337 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2016.

Về chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2017 được kiểm soát ở mức 1,11%, giảm 0,35 điểm phần trăm so với cuối năm 2016. Vietcombank dành hơn 6.187 tỷ đồng để dự phòng rủi ro.

Một ông lớn khác cũng có kết quả kinh doanh năm 2017 khả quan là VietinBank. Cụ thể, tổng tài sản hợp nhất của VietinBank ước đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 15,3%, hoàn thành 101% kế hoạch được ĐHĐCĐ giao; dư nợ tín dụng đạt 839 nghìn tỷ đồng, tăng 18%; tổng nguồn vốn ước đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 16%, hoàn thành 102% kế hoạch ĐHĐCĐ. Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế của VietinBank ước đạt 9.206 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch ĐHĐCĐ, tăng 7,4% so với năm 2016.

Agribank cho biết, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này tăng 20% so với năm 2016, đạt 5.018 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Còn BIDV báo lãi trước thuế 8.800 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2016.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank) cũng công bố mức lợi nhuận cao kỷ lục, đạt 8.126 tỷ đồng, tăng tới 64% so với năm 2016. Tổng doanh thu của VPBank cũng rất ấn tượng, tăng 48% so với năm 2016, đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản VPBank là 277.750 tỷ đồng, tăng 21,4% so với hồi đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 179.517 tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm 2016. Huy động tiền gửi khách hàng đạt 133.550 tỷ đồng, tăng 7,8% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngân hàng là 2,89%.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng báo lãi lớn như Sacombank (lợi nhuận trước thuế đạt 1.488 tỷ đồng, tăng 8,5 lần so với năm 2016), VIB (lợi nhuận trước thuế đạt 1.405 tỷ, tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm trước), TPBank (lợi nhuận năm 2017 đạt 1.205 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 70,5% so với năm 2016)… 

Tiếp tục lạc quan trong năm 2018

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Vụ Dự báo, thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước tiến hành vào tháng 12/2017, 71,8% tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng tình hình kinh doanh trong quý I/2018 cải thiện hơn so với quý IV/2017 và 88,6% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh của cả năm 2018 tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2017, trong đó 29,2% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”.

Với việc nhu cầu khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng tăng rõ rệt trong quý IV/2017 so với quý III/2017, nhiều TCTD cũng tỏ ra lạc quan trong năm 2018. Theo đó, 59% TCTD kỳ vọng tổng nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ của ngân hàng tiếp tục tăng trong quý I/2018 và 78,1% TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có sự gia tăng trong cả năm 2018. Trong đó, nhu cầu vay vốn tiếp tục được TCTD kỳ vọng tăng cao.

Theo kết quả điều tra, 52,1% TCTD cho biết đã tuyển thêm lao động trong quý IV/2017, nhưng vẫn có 25,3% TCTD nhận định đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc hiện tại. Dự kiến sang năm mới 2018, TCTD sẽ tiếp tục tuyển thêm lao động phục vụ cho công việc với 52,1% TCTD dự kiến tiếp tục tuyển thêm lao động trong quý I/2018 và 68,7% TCTD dự kiến sẽ tăng số lao động trong cả năm 2018.

Chuyên đề