Ngành bưu chính viễn thông gặp khó trong thoái vốn

(BĐT) - Thị trường chứng khoán đang tăng điểm mạnh mẽ nhưng chừng đó là chưa đủ để hỗ trợ cho hoạt động thoái vốn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Từ đầu tháng 12/2017, VNPT liên tục đăng ký thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành, tuy nhiên, VNPT vẫn gặp khó khăn.
Nhiều thương vụ thoái vốn của VNPT không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều thương vụ thoái vốn của VNPT không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều phiên đấu giá không có nhà đầu tư tham gia

Mới đây, phiên đấu giá 14 triệu cổ phần của Công ty CP Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT Land) do VNPT nắm giữ không thu hút được bất cứ nhà đầu tư nào.

Ngoài ra, việc thoái vốn của VNPT tại các công ty cổ phần trong lĩnh vực xây lắp cũng gặp khó khăn. Các phiên đấu giá cổ phần của Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Phát triển Bưu điện Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Xây dựng viễn Thông Cần Thơ và Công ty CP Xây lắp Bưu điện Miền Trung,... đều “ế” khách.

Tính từ đầu tháng 12 tới nay chỉ có riêng phiên đấu giá cổ phần Công ty CP Tin học Viễn thông Hàng không thu hút được 3 nhà đầu tư tham gia.

Hiện tại, VNPT đang tiếp tục chào bán cổ phần tại hàng loạt doanh nghiệp như Công ty CP Cadico, Công ty CP Phát triển viễn thông Bắc miền Trung, Công ty CP Dịch vụ thương mại và Xây lắp Viễn thông Đà Lạt, Công ty CP Đầu tư xây dựng viễn thông Đồng Tháp, Công ty CP Đầu tư xây lắp viễn thông Bạc Liêu, Công ty CP Xây lắp Bưu điện Huế. 

Khó thoái vốn thành công

Việc thoái vốn tại các công ty cổ phần mà VNPT nắm giữ trong thời gian gần đây đều được thực hiện theo hình thức đấu giá theo lô.

Theo một số chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại trong việc thoái vốn là do giá bán.

Đơn cử, thương vụ VNPT LAND. Đây là doanh nghiệp có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, nhưng vốn điều lệ thực góp chỉ là hơn 177 tỷ đồng. Ngoài ra, VNPT LAND còn khoản lỗ lũy kế là 6,3 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2016 và có kết quả kinh doanh rất khiêm tốn. Mặc dù vậy, VNPT vẫn thực hiện thoái vốn khỏi đơn vị này theo hình thức đấu giá theo lô với giá khởi điểm 1 cổ phần là 9.700 đồng, thấp hơn không nhiều so với mệnh giá 10.000 đồng/CP.

Theo VNPT, tính đến cuối năm 2016, VNPT đã thực hiện thoái vốn toàn bộ được 16 danh mục, vốn đầu tư của Tập đoàn tại các doanh nghiệp khác. Trên sổ sách, VNPT đã thoái vốn được 602 tỷ đồng/2.002 tỷ đồng đầu tư trên sổ sách. Tổng giá trị thu về được 1.044 tỷ đồng, bằng 174% so với giá trị vốn đầu tư trên sổ sách của VNPT.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn đang gặp khó khi thoái vốn tại các đơn vị nhỏ, đặc biệt là thuộc khối xây lắp. Đây là một bài toán đối với VNPT khi thị trường ngày càng có nhiều mã hàng tốt trong khi kết quả kinh doanh của những đơn vị nêu trên chưa được cải thiện nhiều.

Chuyên đề