Ngân hàng ưu đãi lãi suất hai chiều

Trong khi không ngừng chạy đua huy động tiền gửi tiết kiệm bằng cách tăng nhẹ lãi suất, thêm khuyến mãi, quà tặng… các nhà băng đồng thời rầm rộ tung nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay.
Ngân hàng ưu đãi lãi suất hai chiều

Áp lực tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng, nhất là các nhà băng nhỏ ngày càng rõ nét kể từ sau tết Nguyên Đán cho đến nay và theo nhận định từ các chuyên gia tài chính, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 6, nhiều khả năng lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục tăng.

Đây cũng là một trong những lý do khiến lãi suất liên ngân hàng tại cả 3 kỳ hạn (qua đêm, 1 tuần, 2 tuần) gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt tăng mạnh về cuối tháng do nhu cầu tăng dự trữ tiền đồng của các ngân hàng thương mại nhằm đáp ứng quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Theo báo cáo vừa công bố của CTCK Bảo Việt (BVSC), lãi suất liên ngân hàng tại cả ba kỳ hạn có xu hướng tăng nhanh trong các phiên giao dịch tuần qua. Huy động vốn tại thị trường một (dân cư) vẫn tiếp tục nóng. Ngoài tăng nhẹ lãi suất, các ngân hàng còn tăng cường các chương trình khuyến mãi, tặng quà cho khách hàng.

Ở chiều ngược lại, các nhà băng tung ra thị trường nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi, kỳ vọng kích thích tăng trưởng tín dụng cả với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đơn cử, HDBank có gói cho vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, lãi suất chỉ từ̀ 6,8%/năm. Chưa kể, Ngân hàng tiếp tục triển khai chương trình "Tài trợ doanh nghiệp dệt may xuất khẩu".

Theo đó, tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành dệt may xuất khẩu cả nước tham gia chương trình ưu đãi này tại HDBank sẽ được nhận tài trợ vốn lưu động lên đến 100% giá trị LC nhập khẩu, với tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ hình thành trong tương lai từ hợp đồng xuất khẩu và/hoặc hàng tồn kho là nguyên vật liệu ngành dệt may.

Viet Capital Bank dành 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp xuất khẩu vay ưu đãi lãi suất 4%/năm, với thời gian cho vay mỗi giấy nhận nợ lên đến 6 tháng. Tại VIB, khách hàng vay mua ô tô kinh doanh (thời hạn vay từ 6 tháng trở lên) có lãi suất ưu đãi 7,15%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,45% trong 12 tháng đầu. Với gói tín dụng cho doanh nghiệp ngành dệt may (thời hạn vay dưới 6 tháng), lãi suất áp dụng từ 6,5%/năm, hạn mức 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, VIB còn có gói vay nhanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (thời hạn vay dưới 6 tháng) với lãi suất 7,5%/năm trong 3 tháng đầu…

Nếu như trước đây, nhiều chuyên gia tài chính lo ngại việc tăng lãi suất huy động sẽ dẫn tới lãi suất cho vay tăng theo, thì hiện tại, một số ngân hàng thương mại có động thái giảm lãi suất cho vay, nhất là các nhà băng lớn… Hiện tượng này có lẽ bắt nguồn từ thông điệp của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, khi yêu cầu các nhà băng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo các nhà băng và nhiều chuyên gia tài chính, khả năng lãi suất cho vay khó tăng, dù chi phí đầu vào chưa thể giảm, thậm chí còn tăng lên. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, lãi suất cho vay khó tăng mạnh, bởi nếu lãi suất cho vay tăng sẽ làm giảm cầu về tín dụng. Phó tổng giám đốc HDBank ông Lê Thành Trung nhận định, thời điểm này, lãi suất đầu ra khó tăng, ngay cả khi lãi suất đầu vào đã tăng từ cuối năm 2015.

Nội dung báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 của BIDV cũng cho rằng, đối với lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hưởng ứng lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp diễn ra ngày 29/4, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng tốt vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm (ngắn hạn), 9-10%/năm (trung và dài hạn). Lãi suất cho vay thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Tính đến 27/4/2016, tín dụng của toàn hệ thống đạt hơn 4,83 triệu tỷ đồng, tương đương với mức tăng 3,57% so với cuối năm 2015 (tăng trưởng tín dụng cùng kỳ đạt mức gần 4%).

Trong khi đó, huy động vốn toàn hệ thống có mức tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng và đạt 4,5% (dư nợ huy động vốn tính đến ngày 30/3/2016 đạt hơn 5,39 triệu tỷ đồng). Tín dụng trong quý III/2016 được Trung tâm nghiên cứu BIDV đưa ra dự báo, sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan với mức tăng xấp xỉ khoảng 10-11%. Bên cạnh đó, lãi suất huy động dự báo sẽ tăng nhẹ nhằm đảm bảo thanh khoản cho tín dụng, một phần “cạnh tranh” với thị trường trái phiếu Chính phủ…

Chuyên đề