Ngân hàng tìm lại thời hoàng kim

(BĐT) - Năm 2017 khép lại với nhiều niềm vui trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số VN-Index tiệm cận vùng 1.000 điểm lịch sử nhờ sự hậu thuẫn của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. 
Ảnh: Nhã Chi
Ảnh: Nhã Chi

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng được nhắc đến nhiều nhất với sự trở lại đầy ngoại mục sau giai đoạn tái cấu trúc. Chất lượng tài sản được cải thiện mạnh, nhiều ngân hàng đã công bố mức lợi nhuận vượt kế hoạch và tăng trưởng mạnh so với năm ngoái.

Sức khỏe cải thiện

Sự phục hồi mạnh của nền kinh tế thế giới trong năm 2017 đã tạo nên môi trường vĩ mô ổn định giúp cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, góp phần bảo đảm thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp để hỗ trợ tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm. Điều này đã gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng GDP cả năm 2017 đạt 6,81%, vượt mức kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, 2017 cũng là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong quá trình tái cơ cấu các TCTD như việc được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody’s) nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực” dựa trên sự cải thiện về chất lượng tài sản cũng như nguồn vốn của các ngân hàng trong 3 quý đầu năm. Cụ thể, tổng tài sản của hệ thống các TCTD theo thống kê của NHNN cuối tháng 8/2017 đã vượt 9,25 triệu tỷ đồng tăng 8,79% so với thời điểm cuối năm 2016. Vốn điều lệ toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 3,45% so với đầu năm và tập trung chủ yếu vào nhóm ngân hàng thương mại cổ phần thế nhưng vốn tự có của toàn ngành lại tăng trưởng ổn định.

Thêm nữa, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu tại các TCTD có hiệu lực 5 năm từ ngày 15/8/2017 đã tạo cơ chế giúp Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và các TCTD khơi thông dần cục “máu đông” nợ xấu. Số liệu thống kê cho thấy, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đã có 5.000 tỷ đồng nợ xấu được thu hồi, chiếm 1/3 tổng số nợ xấu xử lý từ đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành cuối năm 2017 ước tính khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% cuối năm 2016 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn 5,8% trong năm 2018.

Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của ngành ngân hàng theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia có thể tăng 40% so với 2016. Ảnh: Nhã Chi

Lợi nhuận bùng nổ

Nhờ hiệu quả hoạt động xử lý nợ xấu và sự đi lên của thị trường bất động sản, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của ngành ngân hàng theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) có thể cao hơn 40% so với 2016. Nhiều ngân hàng đã công bố khả năng vượt kế hoạch với mức lợi nhuận “bùng nổ” như Sacombank 9 tháng 2017 đã đạt hơn 1.025 tỷ đồng LNTT, gấp 5 lần so với cùng kỳ 2016 và vượt 75% kế hoạch năm. HDBank ước tính LNTT cả năm không dưới 2.400 tỷ đồng (vượt 80% so với kế hoạch). TPBank, Lienvietpostbank, VIB và OCB cũng đã công bố vượt kế hoạch lợi nhuận từ 13% đến 40% chỉ trong 11 tháng năm 2017.

Ở nhóm ngân hàng lớn, VietinBank cũng đã vượt kế hoạch đề ra và ước tính LNTT cả năm đạt 8.800 tỷ đồng. MBBank đạt hơn 4.000 tỷ đồng LNTT sau 9 tháng, tăng 44% so với cùng kỳ 2016 và chắc chắn sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm là 4.500 tỷ đồng. Với Vietcombank, lợi nhuận ngân hàng này không chỉ được cải thiện mạnh nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà còn đến từ việc đẩy nhanh hoạt động thoái vốn đầu tư tại các TCTD khác. Theo lộ trình này, Vietcombank sẽ thu về khoảng 2.450 tỷ đồng lợi nhuận từ việc thoái vốn tại Saigonbank, Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC), OceanBank, Eximbank và MBBank. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại Vietcombank mới thoái vốn thành công tại Saigonbank, CFC và chắc chắn ghi nhận 148 tỷ đồng tiền lãi trong quý IV/2017. Nhiều khả năng Vietcombank sẽ là ngân hàng đầu tiên ghi nhận mức LNST vượt 10.000 tỷ đồng.  

“Bão giá” cổ phiếu ngân hàng

Cùng với sự thăng hoa của thị trường chứng khoán niêm yết, hầu hết các cổ phiếu ngành ngân hàng đều có sự tăng trưởng mạnh về giá và đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là MBB, thị giá cổ phiếu đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm tới nay hiện đang giao dịch quanh 25.000 đồng/CP. Tiếp đến là ACB (tăng 70% từ 20.000 đồng lên 34.000 đồng/CP), BID (tăng gần 70% và hiện đang giao dịch quanh 24.000 đồng/CP), VCB (tăng 40% từ mức 37.000 đồng lên khoảng 51.000 đồng/CP). Đặc biệt, cổ phiếu VPBank đã tăng gần gấp 4 lần từ mức giá 8.000 - 9.000 đồng trên thị trường OTC đầu năm 2017 lên trên 31.000 đồng/CP trước thời điểm cổ phiếu này chuẩn bị niêm yết trên HSX. Hiện tại, cổ phiếu VPB đang được giao dịch quanh vùng 40.000 đồng/CP.

“Cơn sóng” tăng giá cổ phiếu niêm yết chưa thấm vào đâu so với nhóm cổ phiếu ngân hàng trên OTC có kế hoạch niêm yết. Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu TCB của Techcombank. Còn nhớ hồi đầu năm, giá TCB được chào mua, bán khá lẻ tẻ với mức giá trên dưới 20.000 đồng. Thế nhưng khi ngân hàng này công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng cùng với việc mua lại cổ phần từ HSBC và kế hoạch niêm yết trong 2018 thì giá mỗi cổ phiếu TCB đã được đẩy lên trên 50.000 đồng và có thời điểm lên tới 60.000 đồng/CP. Bên cạnh đó, cổ phiếu HDBank, TPBank cũng là một hiện tượng đáng chú ý khi tăng gấp 3 lần so với hồi đầu năm và hiện đang giao dịch quanh vùng 26.000 đồng/CP (TPBank), 30.000 đồng/CP (HDBank).

Hoạt động của ngành ngân hàng được dự báo sẽ tích cực trong năm 2018 do kinh tế vĩ mô duy trì được sự ổn định. Dư địa tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng vẫn còn, đặc biệt đối với những ngân hàng có thị phần lớn và định giá thấp hơn giá trị sổ sách.

Chuyên đề