Ngân hàng thương mại dè dặt tăng tỷ giá sau Brexit

Sáng nay (27/6), NHNN tăng tỷ giá trung tâm thêm 21 đồng so với đóng cửa tuần trước song tại các ngân hàng thương mại, giá USD mua vào thậm chí còn giảm 10 đồng so với trước trong khi giá USD bán ra chỉ tăng khoảng 10 đồng và đứng khá cách xa trần.
Ngân hàng thương mại dè dặt tăng tỷ giá sau Brexit

Sau khi cân nhắc trong hai ngày cuối tuần, tỷ giá trung tâm sáng nay được NHNN công bố ở mức 21.866 VND/USD, tăng 21 đồng so với ngày cuối tuần (21.845 VND/USD). Tỷ giá trần mà các NHTM sẽ mua bán là 22.521 VND/USD và giá sàn là 21.210 VND/USD (biên độ biến động tỷ giá +/-3%).

Như vậy, NHNN đã có phản ứng đầu tiên với Brexit, bằng việc đưa ra một khoảng mở khá rộng với tỷ giá cho thị trường. Điều này cũng hàm ý, NHNN đã sẵn sàng cho tỷ giá thị trường biến động với mức độ cao hơn hiện nay.

Tuy nhiên, phản ứng của các ngân hàng thương mại sáng nay khá dè dặt. Tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết hầu như không biến đổi so với cuối tuần qua. Trong khi đó, tại Techcombank, giá USD mua vào giảm 10 đồng so với thứ sáu tuần trước còn giá USD bán ra chỉ tăng 10 đồng, đứng ở mức 22.380 đồng/USD. Đây cũng là mức giao dịch phổ biến tại các ngân hàng khác. Với giá bán này, tỷ giá hiện đang đứng khá cách xa trần (cách 141 đồng).

Hiện giới chuyên gia nhận định rất khác nhau về diễn biến tỷ gia thời gian tới cũng như tác động của Brexit. Có những ý kiến cho rằng, tỷ giá sẽ sớm phải điều chỉnh. Cụ thể, nhóm nghiên cứu VCBS nhận định: “Sau khi được giữ ổn định trong 6 tháng đầu năm, sự kiện Brexit có thể tạo ra những biến động đáng kể về tỷ giá”.

Ở khía cạnh ngược lại, đa số chuyên gia cho rằng, phản ứng của thị trường Việt Nam trong ngày đầu tiên diễn ra Brexit mang nặng yếu tố tâm lý, đặc biệt là với vàng và tỷ giá. Hiện nay, dự trữ ngoại hối đang ở mức khá, cán cân thương mại đang thặng dư, chính sách điều hành tỷ giá mới và quan điểm ổn định tỷ giá của NHNN, nỗ lực thu hút vốn FDI, cách cách môi trường kinh doanh… sẽ khiến tỷ giá khó có sự tăng sốc.

“Với Việt Nam, tác động của Brexit chỉ tương đối, chứ không phải là quá lớn. Về tỷ giá, tôi cho rằng tỷ giá vẫn sẽ ổn định thời gian tới, do cung - cầu vẫn được đảm bảo, những biến động gần đây chủ yếu do yếu tố tâm lý. Điều đáng mừng là, NHNN đang điều hành tỷ giá theo rổ tiền tệ, chứ không chỉ neo theo USD. Khi điều hành theo rổ tiền tệ, có đồng tiền tăng giá, có đồng tiền xuống giá, nên tính tổng thể sẽ không thay đổi nhiều”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Một yếu tố hỗ nữa hỗ trợ tỷ giá ổn định, theo TS. Cấn Văn Lực, là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất, ít nhất là trong quý III/2016. Thực tế, ngay sau khi Brexit diễn ra, nhiều nhà phân tích sừng sỏ nhận định, Fed thậm chí còn giảm lãi suất.

Mặc dù vậy, trong xu thế Bảng Anh, euro mất giá, Yên Nhật và USD tăng giá, chuyên gia này cũng khuyến cáo, NHNN phải theo dõi sát biến động của các đồng tiền lớn trên thế giới để có sự điều chỉnh phù hợp.

Phân tích của các chuyên gia tài chính, thương mại cho thấy, Brexit sẽ chỉ tác động gián tiếp tới nước ta. Tuy nhiên, tình hình sẽ phức tạp hơn nếu nhiều nước nối gót Anh rời bỏ EU và đặc biệt là Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Trong bối cảnh này, việc NHNN phá giá thêm nữa với tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu và tạo bước đệm linh hoạt cho điều chỉnh tỷ giá là cần thiết.

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá trong nước diễn biến khá ổn định. Thậm chí, tỷ giá trung tâm được niêm yết hôm nay (21.866 đồng/USD) còn thấp hơn tỷ giá bình quân liên ngân hàng được niêm yết vào thời điểm cuối năm 2015 (21.890 đồng/USD).

Chuyên đề