Ngân hàng mắc kẹt với Vinaship

(BĐT) - Thua lỗ nhiều năm liên tiếp nhưng dường như Công ty CP Vận tải Vinaship vẫn chưa tìm ra lối thoát. Nửa đầu năm 2017, tình hình vẫn không khá khẩm hơn khi doanh nghiệp này tiếp tục thua lỗ. Khả năng thanh toán các khoản nợ của Vinaship bị đặt dấu hỏi và đang có rất nhiều ngân hàng mắc kẹt với Công ty.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nợ vay chồng chất

Thep báo cáo tài chính bán niên 2017 đã soát xét, tính đến thời điểm 30/6/2017, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Vinaship là 278 tỷ đồng, tăng 12,35% so với đầu năm. Đối với các khoản vay ngắn hạn, một chủ nợ lớn của Công ty là Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng với khoản cho vay 70 tỷ đồng.

Đối với các khoản vay dài hạn, tính đến thời điểm 30/6/2017, vay dài hạn của Vinaship vẫn ở mức cao, 447 tỷ đồng. Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2016 và bán niên 2017 không diễn giải các chủ nợ của Vinaship.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính năm 2015, chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp này là Ngân hàng TMCP Bảo Việt - Chi nhánh Hải Phòng với khoản tín dụng 219 tỷ đồng, thời hạn 15 năm và bắt đầu giải ngân từ 7/3/2011. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh Lê Chân (Hải Phòng) cho Công ty vay 148 tỷ đồng trong thời hạn 15 năm, ngày đáo hạn là 4/1/2025.

Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC cho biết, tại thời điểm 30/6/2017, lỗ lũy kế của Vinaship là gần 274 tỷ đồng (tại thời điểm 31/12/2016 là 205 tỷ đồng), nợ ngắn hạn của Công ty lớn hơn tài sản ngắn hạn là 282 tỷ đồng (tại 31/12/2016 là 224,7 tỷ đồng). Việc thiếu hụt vốn lưu động ảnh hưởng đến khả năng thanh toán hiện tại và khả năng hoạt động kinh doanh liên tục của Công ty.

Để đảm bảo khả năng thanh toán của Công ty, Ban giám đốc đang thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu tài chính tại Vinalines giai đoạn 2017 - 2020, làm việc với tổ chức tín dụng để điều chỉnh lại kế hoạch trả nợ các khoản vay dài hạn theo hướng giãn nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi vay và mua bán nợ. 

Chưa thoát cảnh thua lỗ

Theo báo cáo tài chính quý II/2017, doanh thu của Vinaship đạt 121 tỷ đồng (gần như không đổi so với cùng kỳ 2016) và lỗ ròng lên tới 39,28 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinaship lỗ tới 68,4 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với con số lỗ cùng kỳ năm 2016. Kết quả kinh doanh thua lỗ 6 tháng đầu năm 2017 khiến lỗ lũy kế tại thời điểm 30/6/2017 lên tới 274 tỷ đồng, vượt xa số vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 21/4/2017 Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã có quyết định hủy niêm yết cổ phiếu của Vinaship do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm 31/12/2016 âm 205 tỷ đồng, vượt qua vốn điều lệ.

Lý giải về việc lỗ tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2017, Vinaship cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn, doanh thu vận tải biển giảm trong khi chi phí hoạt động vận tải biển lại tăng so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến tỷ lệ lãi gộp của hoạt động vận tải biển sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chính là do rủi ro từ hoạt động giao thương, thời gian chờ xếp hàng (than xuất khẩu của Indonesia) và dỡ hàng (gạo nhập khẩu vào Philippines) quá lâu, phát sinh nhiều chi phí neo đậu cảng.

Bên cạnh đó, tỷ trọng hàng nội địa giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do tình trạng neo chờ giải phóng hàng nội địa tại các đầu bến phía Nam chưa có nhiều cải thiện, giá cước không bù đắp được chi phí... Tình hình an ninh biển ngày càng bất ổn  buộc Công ty phải hủy một số hợp đồng. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu cao và phát sinh chi phí đảm bảo cho sự an toàn của đội tàu cũng làm cho kết quả kinh doanh trong kỳ giảm mạnh.

Chuyên đề