Nan giải xử lý nợ công, bội chi

(BĐT) - Thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm tiếp tục căng thẳng khiến Bộ Tài chính hết sức lo lắng trước khả năng bội chi và nợ công năm 2016 sẽ gia tăng.
Ngân sách nhà nước phải trả nợ 72.600 tỷ đồng trong 5 tháng cuối năm. Ảnh: Lê Tiên
Ngân sách nhà nước phải trả nợ 72.600 tỷ đồng trong 5 tháng cuối năm. Ảnh: Lê Tiên

Nợ công và bội chi chắc chắn sẽ tăng

Theo Kế hoạch vay và trả nợ năm 2016 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì năm nay, Chính phủ vay nợ tổng cộng 452.000 tỷ đồng, bao gồm phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) 254.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi; phát hành 60.000 tỷ đồng TPCP cho đầu tư phát triển; vay ODA, vay ưu đãi để cho vay lại 43.000 tỷ đồng; vay đảo nợ khoảng 95.000 tỷ đồng. Cũng theo kế hoạch này, năm 2016, Chính phủ phải trả nợ 273.300 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước trả nợ trực tiếp 154.000 tỷ đồng; trả nợ vay nước ngoài 24.000 tỷ đồng; và đảo nợ khoảng 95.000 tỷ đồng.

Năm nay, Chính phủ cũng sẽ đứng ra bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và các dự án trọng điểm quốc gia vay tối đa 39.000 tỷ đồng; bảo lãnh cho doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vay vốn thương mại nước ngoài 1.500 triệu USD; cho phép doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vay nước ngoài dưới hình thức tự vay, tự trả 5.500 triệu USD; và cho phép chính quyền địa phương huy động 12.500 tỷ đồng để đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%. Hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu, thu ngân sách 7 tháng đầu năm hầu như không có nhiều khởi sắc. Tổng thu ngân sách nhà nước trong 7 tháng đầu năm đạt 500.800 tỷ đồng (bằng 49,4% dự toán) nhưng đã phải chi ra 606.400 tỷ đồng, tức là bội chi đã lên đến 105.600 tỷ đồng.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thực sự quan ngại. “Nếu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7% như mục tiêu đặt ra thì mọi việc sẽ ổn, nhưng với tình hình này, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 6,2% đã là may mắn. Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu, thu ngân sách khó có thể bảo đảm dự toán sẽ tác động ngay tới nợ công, bội chi. Cho dù áp dụng nhiều giải pháp nhằm thu đủ dự toán, nhưng kinh tế tăng trưởng không đạt mục tiêu thì nợ công và bội chi cũng sẽ tăng” - ông Dũng phân tích.

Mỗi tháng phải trả nợ 14.480 tỷ đồng

Xử lý nợ công, bội chi là bài toán vô cùng phức tạp và nan giải với bất cứ quốc gia nào. 
Năm nay, ngân sách nhà nước phải trả nợ trực tiếp 154.000 tỷ đồng, nhưng trong 7 tháng đầu năm mới trả nợ được 81.600 tỷ đồng, tức là 5 tháng còn lại phải trả nợ 72.600 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải trả nợ 14.480 tỷ đồng, cao hơn so với mức trả nợ bình quân 7 tháng đầu năm là 11.675 tỷ đồng.

Nhìn vào số nợ phải trả, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, bà Trần Thị Hoa Ry cho rằng, Bộ Tài chính cũng cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc bảo đảm khả năng trả nợ, tránh để bội chi tăng mạnh, nợ công vượt quá trần cho phép. “Giải pháp cơ cấu, xử lý nợ công đang được thực hiện là phát hành TPCP để đảo nợ. Đây là hình thức vay để trả nợ. Điều này rất đáng ngại, vì đến giai đoạn nào đó sẽ mất cân đối và gây bất ổn cho nền kinh tế” - bà Ry nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng thẳng thắn cho rằng, nợ nước ngoài, nợ công đang tạo sức ép rất lớn lên sự bền vững của nền kinh tế cũng như an toàn tài chính quốc gia. “Nợ trong nước chủ yếu là TPCP và đa số do các ngân hàng thương mại mua (các ngân hàng thương mại nắm giữ 80% tổng khối lượng TPCP). Như vậy, một trong những giải pháp trước mắt để cơ cấu nợ công là phải có giải pháp tăng cường năng lực tài chính cho hệ thống ngân hàng. Còn trong dài hạn phải phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu phải là kênh đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn cho doanh nghiệp” - ông Hoàng Anh đề xuất.

Theo ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, nên xóa bỏ cơ chế xin cho; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về vay và trả nợ cho chính quyền địa phương; tạo điều kiện về cơ chế để những địa phương có điều kiện khai thác các nguồn thu cho đầu tư phát triển. “Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM chỉ đạt 20% nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng, nên cần có cơ chế tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương trong huy động các nguồn lực tài chính cho đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào hạ tầng”, ông Quốc nhấn mạnh và cho rằng, thực hiện cơ chế này vừa giảm áp lực cho Chính phủ trong xử lý bội chi, nợ công vừa tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương đầu tư phát triển, tạo cơ sở để phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách bền vững trong tương lai. 

Xử lý nợ công, bội chi, theo ông Đinh Tiến Dũng, là bài toán vô cùng phức tạp và nan giải với bất cứ quốc gia nào. Nhưng trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Bộ Tài chính quyết tâm giải bằng được bài toán này bằng cách kéo dài thời gian trả nợ, giảm lãi suất đi vay, tăng vay trong nước và giảm vay nước ngoài.

Chuyên đề