Năm 2020: Mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có gì thay đổi?

(BĐT) - Vào giữa năm 2020, khi mức lương cơ sở được tăng lên từ 1,45 triệu lên 1,6 triệu đồng/tháng thì mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, số tăng này không lớn.
Đại lý thu của bưu điện tại Hà Nội vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.
Đại lý thu của bưu điện tại Hà Nội vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.

Mức đóng BHYT tăng 4.950 đồng/tháng từ tháng 7/2020

Trả lời câu hỏi về việc trong thời điểm hiện tại, quy định mức đóng BHYT theo hộ gia đình trong năm 2020 có gì thay đổi, ông Nguyễn Tất Thao, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, mức đóng BHYT hiện đang được Chính phủ quy định bằng 4,5% mức lương cơ sở (theo Luật BHYT, mức đóng tối đa là 6% mức lương cơ sở). Theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, mức đóng BHYT của đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Việc giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định tại điểm này được thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.

Ông Thao cũng cho biết, năm 2020, khi Nhà nước điều chỉnh mức lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/1 tháng (từ 1/7/2020) thì mức đóng BHYT của người tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng tăng lên. Tuy nhiên, số tăng này không đáng kể. Cụ thể như sau: người thứ nhất đóng bằng 1,6 triệu đồng x 4,5% = 72.000 đồng/tháng (mức đóng trước đây là 67.050 đồng/tháng, tăng 4.950 đồng/tháng hay 59.400 đồng/năm). Người thứ hai = 1,6 triệu đồng x 4,5% x 70% = 50.400 đồng/tháng (tăng 3.465 đồng/tháng  = 41.580 đồng/năm). Người thứ ba = 1,6 triệu đồng x 4,5% x 60% = 43.200 đồng/tháng (tăng 2.970 đồng/tháng = 35.640 đồng/năm). Người thứ tư = 1,6 triệu đồng x 4,5% x 50% = 36.000 đồng/tháng (tăng 2.475 đồng/tháng = 29.700 đồng/năm). Từ người thứ năm trở đi = 1,6 triệu đồng x 4,5% x 40% = 28.800 đồng/tháng (tăng 1.980 đồng/tháng = 23.760 đồng/năm).

Thay đổi mức giảm trừ khi tham gia BHYT theo hộ gia đình

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Trong đó, cũng yêu cầu tất cả thành viên thuộc hộ gia đình phải tham gia cùng một thời điểm, thay vì có thể tham gia từng cá nhân như hiện nay. Tuy nhiên, mức đóng của thành viên thứ hai trong gia đình sẽ bằng 80% của người thứ nhất, thay vì mức 70% như hiện nay. Lý giải về điều này, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, tất cả các thành viên trong một gia đình tham gia BHYT thì mức đóng sẽ được giảm dần, không quy định là cá nhân. Chính điều này cũng đang là vướng mắc hiện nay. Một số trường hợp cá nhân không có tên trong hộ khẩu nên rất khó để tham gia BHYT. Quy định hiện hành đang khó, tuy nhiên, nghị quyết của Quốc hội cũng có một số điều mở, đó là giao cho Chính phủ quy định tham gia BHYT gia đình linh hoạt. Linh hoạt ở đây là không bắt buộc phải tham gia đúng thời điểm, mà có thể tham gia ở các thời điểm khác nhau.

Ông Toàn cho biết, về quy định tham gia theo cá nhân, hiện nay vẫn chưa có. Do đó, trong lần dự thảo tới đây cũng phải đề cập đến những người trong xã hội có một bộ phận không có tên trong sổ hộ khẩu cũng phải được tham gia BHYT. Thậm chí, có những trường hợp không có một loại giấy tờ gì cả cũng phải được tham gia BHYT. Nếu không có giấy tờ gì có thể nộp ảnh để tham gia BHYT, khi có ảnh rồi, người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh không còn cần phải có bất cứ một giấy tờ gì cả.

Cũng theo ông Toàn, mức giảm trừ theo hộ gia đình hiện nay giảm cao, người thứ hai đóng bằng 70% người thứ nhất; người thứ ba, thứ tư, thứ năm giảm dần; cho đến người thứ năm chỉ còn đóng có 40% thôi. Như vậy, việc giảm trừ này quỹ BHYT thu được đã tính trên mức lương cơ sở rồi lại còn giảm trừ chỉ còn đóng 40% thì mức đóng sẽ thấp so với nhu cầu về chi, không đáp ứng việc cân đối quỹ, đồng thời dẫn đến tình trạng không công bằng. Điều này thể hiện ở chỗ: trong khi học sinh, sinh viên, hộ gia đình có mức sống trung bình chỉ được hỗ trợ 30% BHYT, tức là phải đóng 70%, thì hộ gia đình trên mức sống trung bình cũng được hỗ trợ mức như vậy. Chính vì vậy, dự thảo đề xuất, nếu giảm chỉ giảm 80%, mức đóng phải cao hơn học sinh, sinh viên, mức đóng phải cao hơn mức đóng của hộ gia đình có mức sống trung bình.

Làm rõ hơn ý này trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, trước kia có chính sách khuyến khích BHYT như vậy bởi mục tiêu là muốn để đẩy nhanh tốc độ bao phủ BHYT. Bây giờ, quỹ BHYT chi rất cao, kỹ thuật rất tốt, yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân phải được nâng lên thì phải điều chỉnh vấn đề này. Không nên để như cũ được vì rõ ràng, người tham gia muốn hưởng lợi cao thì phải đóng cao, mức giảm trừ là để khuyến khích. Hộ nghèo không phải đóng, hộ cận nghèo được giảm là đúng. Còn các hộ trung bình phải tuân thủ nguyên tắc. “Theo lộ trình, cũng phải tính toán đến lúc ai cũng phải đóng bình đẳng cả, không thể có ai giảm trừ. Người ốm đều như nhau. Tôi nghĩ, cũng phải đến lộ trình nào đó, bởi ai cũng phải đóng BHYT, đó là quyền và nghĩa vụ bình đẳng như nhau” - ông Lợi nêu quan điểm.

Chuyên đề