Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam: Chỉ phản ứng là không đủ

(BĐT) - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa công bố hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam xuống “tiêu cực”. Ảnh hưởng đầu tiên của động thái này là 18 ngân hàng thương mại của Việt Nam cũng bị hạ triển vọng tương tự. Việc Bộ Tài chính phản ứng với công bố của Moody’s là cần thiết, song cần các động thái mạnh mẽ và hiệu quả hơn để cải thiện xếp hạng tín nhiệm trong thời gian tới.
Vấn đề nợ công, đặc biệt là nợ được Chính phủ bảo lãnh, là một trong những nguyên nhân khiến Moody’s giảm triển vọng xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Vấn đề nợ công, đặc biệt là nợ được Chính phủ bảo lãnh, là một trong những nguyên nhân khiến Moody’s giảm triển vọng xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Đã được cảnh báo

Ngày 18/12/2019, Moody’s thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, và điều chỉnh triển vọng xuống “tiêu cực”, kết thúc thời gian đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc kể từ ngày 9/10/2019.

Cơ sở để Moody’s đưa ra quyết định điều chỉnh giảm triển vọng tín nhiệm của Việt Nam là nhận định “vẫn tiềm ẩn rủi ro của việc chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ trong bối cảnh chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh”.

Một ngày sau đó, Moody's cũng điều chỉnh triển vọng tương tự với 18 ngân hàng thương mại. Moody’s khẳng định động thái với các nhà băng không nhằm phản ánh sức khỏe tài chính của họ yếu đi mà hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ quyết định của Moody’s với tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Trước đó, ngày 9/10/2019, Moody’s thông báo về việc xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam (hiện ở mức Ba3). Cơ sở để Moody’s đưa ra quyết định xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm bắt nguồn từ đánh giá cho rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ chính phủ. Và ngày 10/10, Moody’s cũng thông báo tương tự với các ngân hàng Việt Nam.

Cần động thái quyết liệt hơn

Bình luận về động thái này của Moody’s, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, việc thay đổi triển vọng này đã được dự báo trước, khi Moody’s cảnh báo về việc xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam với nguyên nhân chủ yếu là công tác quản lý nợ nước ngoài, đặc biệt là nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Từ thời điểm đó đến nay, Chính phủ Việt Nam đã làm được một số việc, đó là chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chuẩn bị đủ nguồn tài chính để thanh toán đúng hạn cho nước ngoài. Đồng thời, quyết liệt điều hành kinh tế vĩ mô để giảm rủi ro về nợ công. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm mà Moody’s cho biết vẫn còn băn khoăn và chưa được thực hiện. Đó là chưa thấy rõ những giải pháp thúc đẩy để cải thiện công tác phối hợp giữa các bộ ngành trong thanh toán nợ nước ngoài, bao gồm cả nợ được Chính phủ bảo lãnh. Mặt khác, chưa có nhiều giải pháp nâng cao tính minh bạch trong quản lý nợ nước ngoài. “Họ cứ làm theo nguyên tắc là cảnh báo trước, sau đó đến hẹn sẽ điều chỉnh”, ông Lực nói.

Về xếp hạng tín nhiệm của 18 ngân hàng, theo vị chuyên gia này, các nhà băng và kể cả một số doanh nghiệp khác chịu tác động từ xếp hạng tín nhiệm chung của quốc gia. Khi triển vọng xếp hạng tín nhiệm quốc gia bị giảm thì các doanh nghiệp trong quốc gia đó cũng khó có thể vượt lên xếp hạng tín nhiệm đó.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, triển vọng xếp hạng tín nhiệm của quốc gia và của nhiều ngân hàng bị giảm trong khi các chỉ báo vĩ mô khả quan, các ngân hàng đang hoạt động rất tốt là điều khó tiếp nhận ở thời điểm này. Tuy nhiên, các hãng xếp hạng tín nhiệm đánh giá từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, nợ công, đặc biệt là nợ được Chính phủ bảo lãnh, rất được họ chú trọng.

Điều đáng chú ý, theo ông Hiếu, triển vọng xếp hạng tín nhiệm quốc gia bị giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của nền kinh tế. Chẳng hạn, lãi suất các công cụ nợ của Chính phủ và của doanh nghiệp sẽ tăng, các nhà đầu tư nước ngoài có thể chần chừ hoặc thay đổi quyết định đầu tư 

“Do đó, phản ứng của Bộ Tài chính về động thái của Moody’s là cần thiết. Tuy nhiên, sau phản ứng đó, cần có các động thái rõ ràng và hiệu quả hơn nữa để cải thiện tích cực vấn đề nợ công, từ đó, yêu cầu hãng xếp hạng tín nhiệm điều chỉnh đánh giá”, ông Hiếu nói.

Cùng quan điểm về điều này, ông Lực nhấn mạnh: “Các hãng xếp hạng tín nhiệm nước ngoài họ xem xét hành động cụ thể chứ không chỉ là việc hô hào hoặc đưa ra các chính sách chung chung. Chúng ta cần giải trình cụ thể, rút kinh nghiệm và cải thiện thực chất trong công tác quản lý để họ khôi phục xếp hạng tín nhiệm cho mình”.

Chuyên đề