Minh bạch giao dịch điện tử lĩnh vực tài chính

(BĐT) - Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Đề cương dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2007/NĐ-CP (NĐ27) về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, nhiều doanh nghiệp (DN) bày tỏ đồng tình về việc giảm gánh nặng chi phí, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN hoạt động trong lĩnh vực này.
Dù đã có trên 97% doanh nghiệp sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, hải quan, nhưng nhiều cơ quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp hồ sơ dạng giấy. Ảnh: Huy Thắng
Dù đã có trên 97% doanh nghiệp sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, hải quan, nhưng nhiều cơ quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp hồ sơ dạng giấy. Ảnh: Huy Thắng

Nặng tư duy chứng từ giấy

Bà Lê Chi, Cục Tin học và Thống kê tài chính thuộc Bộ Tài chính cho biết, sau 10 năm thực hiện NĐ27, đến nay, phần lớn các quy định của NĐ này đã không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành. Các quy định của NĐ này chủ yếu thiên về mô phỏng thực hiện theo phương thức giấy tờ truyền thống trên môi trường điện tử nên hạn chế tính hiệu quả của việc triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính.

Nêu thêm bất cập của NĐ27, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thực tế đã có trên 97% DN tham gia sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, hải quan, tuy nhiên, hiện nhiều cơ quan liên quan vẫn yêu cầu DN phải cung cấp hồ sơ dạng giấy. Hạn chế này dẫn đến DN thường xuyên phải chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy, gây phiền hà cho DN, giảm tác dụng của việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Đồng tình với bất cập nêu ra, ông Đinh Công Hiệp, Trưởng phòng Phòng Pháp chế thuộc Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội nêu thực tế, hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính vẫn ảnh hưởng tư duy giao dịch giấy. Chẳng hạn như, khi DN thực hiện công bố thông tin trên hoạt động chứng khoán, DN phải gửi 1 bản báo cáo tài chính có dấu đỏ, sau đó mới gửi bản scan để thực hiện giao dịch điện tử.

Còn theo ông Phạm Xuân Hoàn, Trưởng phòng Phòng Pháp chế của Công ty CP Viễn thông FPT, việc yêu cầu chữ ký số của người có trách nhiệm ký chứng từ đang gây khó khăn cho DN. Bởi lẽ, các giấy tờ của DN do nhiều chức danh ký, các chức danh cũng thay đổi khá thường xuyên. Do đó, nếu yêu cầu mỗi người có trách nhiệm ký đều phải có chữ ký số sẽ gây tốn kém cho DN và chậm trễ trong hoạt động kinh doanh. 

Vẫn còn băn khoăn

Từ những bất cập trong quy định tại NĐ27, đại diện Ban soạn thảo NĐ, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính nhấn mạnh, việc xây dựng một NĐ mới thay thế NĐ27 là rất cần thiết nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của DN. 

Theo ông Hùng, NĐ thay thế NĐ27 có những đề xuất mới giúp hoạt động giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính thuận lợi hơn. Về phạm vi điều chỉnh, NĐ thay thế mở rộng đối tượng điều chỉnh, bao gồm giao dịch tài chính (ngân sách nhà nước, thuế, phí…); hải quan; kế toán độc lập; giá; chứng khoán; hoạt động dịch vụ tài chính; bảo hiểm nhưng không bao gồm bảo hiểm xã hội, y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Đối tượng áp dụng cũng được bổ sung thêm. Dự thảo NĐ cũng đề xuất chấp nhận chứng từ điện tử là chứng từ gốc khi đáp ứng điều kiện và quy định việc kiểm tra chứng từ bằng phương pháp điện tử nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN.

Tuy nhiên, nhìn vào Đề cương Dự thảo NĐ thay thế NĐ27, ông Đinh Công Hiệp lo ngại, tư duy chứng từ giấy vẫn chưa được từ bỏ. “Dù Điều 7 Dự thảo NĐ đề cập chuyển từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử, nhưng lại quy định chứng từ giấy được chuyển thành điện tử dưới dạng hình ảnh nguyên trạng (quét thành tệp hoặc ảnh PDF), hoặc phản ánh toàn vẹn nội dung của chứng từ giấy. Với quy định này có thể hiểu là chứng từ vẫn bao gồm cả chữ ký tươi, đóng dấu…”, ông Hiệp bình luận.

Có chung quan ngại, đại diện Ban Pháp chế của Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp nêu băn khoăn không biết Giấy chứng nhận bảo hiểm vừa được thực hiện bằng phương pháp thủ công, vừa sử dụng chữ ký điện tử có được coi là bằng chứng giao kết điện tử hay không? Để giải quyết vướng mắc này, đại diện DN đề xuất, ngay sau khi NĐ thay thế NĐ27 được ban hành, cơ quan có thẩm quyền cần sớm có hướng dẫn cụ thể nhằm giải quyết vướng mắc cho DN.

Chuyên đề