Miễn thuế để khỏi hoàn thuế

(BĐT) - Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu và hướng dẫn thủ tục quản lý thuế đối với các trường hợp miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thực thi chính sách thuế xuất, nhập khẩu (XNK) hiệu quả, đúng đối tượng.
Chính sách thuế xuất, nhập khẩu mới sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Chính sách thuế xuất, nhập khẩu mới sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Miễn thuế phải có điều kiện

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, chính sách XNK mới sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư. “Hiện tại, nguyên liệu, vật tư nhập về để sản xuất hàng xuất khẩu khi nhập khẩu phải nộp thuế, sau đó xuất khẩu được hoàn thuế. Tương tự, hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất, khi nhập khẩu phải nộp thuế và khi xuất khẩu được hoàn thuế, doanh nghiệp và cơ quan hải quan phải làm cả thủ tục khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế nên mất rất nhiều thời gian, công sức. Nhưng kể từ 1/9/2016, sẽ không phải nộp thuế và cũng không còn phải thực hiện các thủ tục hoàn thuế”, ông Trung cho biết.

Cụ thể, kể từ 1/9/2016, các loại nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu bao gồm cả bao bì để đóng gói sản phẩm xuất khẩu, linh kiện nhập khẩu trực tiếp cấu thành sản phẩm xuất khẩu; hoặc tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất hàng xuất khẩu nhưng không trực tiếp chuyển hoá thành hàng hoá. Sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm xuất khẩu hoặc đóng chung với sản phẩm xuất khẩu thành mặt hàng đồng bộ và xuất khẩu ra nước ngoài; linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để làm hàng hoá bảo hành cho sản phẩm xuất khẩu cũng được miễn thuế nhập khẩu như nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.

Miễn thuế nhập khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng theo ông Trung, vấn đề quan trọng không kém là phải quản lý được thuế, tránh tình trạng gian lận thuế, trốn thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh bình đẳng. Vì vậy, để được miễn thuế nhập khẩu, doanh nghiệp phải có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể là phải có quyền sử dụng hợp pháp mặt bằng sản xuất, nhà xưởng; có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu...

“Tương tự như vậy, đối với việc chuyển hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất từ đối tượng chịu thuế ở khâu nhập khẩu và thực hiện hoàn thuế sang đối tượng được miễn thuế nhập khẩu, để tránh tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, doanh nghiệp phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh hoặc đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế nhập khẩu của hàng hóa tạm nhập - tái xuất. Hết thời hạn tạm nhập - tái xuất mà hàng hóa chưa được xuất khẩu thì phải nộp thuế. Khi thực tái xuất thì được hoàn lại số tiền thuế đã nộp. Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Trung giải thích thêm. 

Chỉ dự án “đặc biệt” mới được miễn thuế

Miễn thuế nhập khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng vấn đề quan trọng không kém là phải quản lý được thuế, tránh tình trạng gian lận thuế, trốn thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh bình đẳng. 
Bộ Tài chính dự kiến miễn thuế XNK đối với hàng mẫu không nhằm mục đích thương mại có giá trị dưới 1 triệu đồng (gửi cho cá nhân), dưới 30 triệu đồng (gửi cho tổ chức). Theo ông Đỗ Văn Vẻ, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, quy định này nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng nhập khẩu hàng mẫu để trốn thuế, nhưng lại quá chặt chẽ. “Doanh nghiệp nhập khẩu hàng mẫu về nghiên cứu, tham chiếu cũng có thể nghiên cứu thành công và cũng có thể thất bại. Trong trường hợp doanh nghiệp thất bại, đã bị thiệt hại mà còn phải đóng thuế nếu giá trị hàng mẫu trên 30 triệu đồng là chưa thỏa đáng. Vì vậy, nếu như quan ngại doanh nghiệp có thể lợi dụng quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng mẫu thì cần quy định rõ các điều kiện, tiêu chuẩn, cách thức, giám sát… đối với hàng mẫu thay vì quy định giá trị hàng mẫu được miễn thuế”, ông Vẻ đề xuất.

“Sửa các quy định liên quan đến quản lý hoạt động XNK còn nhằm đồng bộ hóa các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các luật thuế và Luật Hải quan mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung”, Thứ trưởng Trương Chí Trung khẳng định và cho biết, một trong những chính sách quan trọng nhất được sửa đổi là thực hiện miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu cho đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư.

Tuy nhiên, theo Dự thảo Nghị định đang được xây dựng thì chỉ miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ với thời gian miễn thuế nhập khẩu là 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất. Và không miễn thuế nhập khẩu đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản; sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ sản xuất ô tô; dự án sản xuất sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.

Tuy nhiên, ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương cho rằng, một vài quy định về miễn thuế chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014. “Khoản 13, Điều 16, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là chưa phù hợp vì Luật Đầu tư còn thực hiện ưu đãi đối với cả dự án đầu tư vào ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn”, ông Quý dẫn chứng.

Chuyên đề