Làm gì để doanh nghiệp tiếp cận được vốn hỗ trợ?

(BĐT) - Ngành ngân hàng đã nêu rõ chủ trương hỗ trợ giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, đã có ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp cho rằng việc thụ hưởng các nguồn vốn hỗ trợ không thuận lợi. Phản hồi ý kiến này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.
Sau khi triển khai Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay khoảng trên 300.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Sau khi triển khai Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay khoảng trên 300.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, cơ quan này đã làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng (TCTD) và các TCTD đã đồng thuận rất cao để giảm 2% lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu cũng như các khoản vay mới.

Kết quả triển khai cho đến nay, đối với các TCTD, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới khoảng trên 300.000 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là khoảng 18.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi và điều chỉnh lãi suất là khoảng 126.500 tỷ đồng, cho vay mới với doanh số cho vay xấp xỉ 180.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HaSME), nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội cho biết đang gặp không ít khó khăn trong việc thụ hưởng các gói hỗ trợ này. “Qua các kiến nghị gửi về Hiệp hội, nhiều doanh nghiệp cho biết, đã tiếp cận ngân hàng, đề nghị giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ nhưng thường nhận được câu trả lời là chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa thực hiện được”, ông Quốc Anh chia sẻ.

Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội (SHF) cho biết, doanh nghiệp này đã gặp ngân hàng để xin được giãn nợ nhưng câu trả lời là: “Nếu giãn nợ sẽ bị giảm mức xếp hạng tín dụng và đưa vào danh sách nợ xấu. Nếu đưa vào danh sách nợ xấu thì chẳng khác gì không có chính sách hỗ trợ. Các doanh nghiệp đang cần được thụ hưởng ngay những chính sách này để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Dũng nói.

Bình luận về phản ánh của các doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV nêu quan điểm: “Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay mới được ban hành 1 tháng. Các ngân hàng cần sự chuẩn bị cần thiết và khi đưa vào áp dụng cũng phải thận trọng để bảo đảm đúng đối tượng, quy định và cân đối năng lực tài chính”.

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn hỗ trợ này, ông Lực đề xuất nên điều chỉnh Thông tư số 01/2020/TT-NHNN với hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất là cho phép giãn nợ lâu hơn đối với các khách hàng vay trung và dài hạn để phù hợp hơn với khả năng phục hồi dòng tiền của doanh nghiệp. Hai là, nên có hướng dẫn chi tiết hơn về ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng và tiêu chí, phân nhóm đối tượng hỗ trợ (có thể theo mức giảm doanh thu) để các ngân hàng nhất quán thực hiện.

“NHNN nên theo dõi, giám sát để đảm bảo chính sách được thực hiện hiệu quả và điều chỉnh kịp thời khi phát sinh điểm chưa hợp lý. Các ngân hàng thương mại cần chủ động giảm các thủ tục không cần thiết, thực hiện nhất quán quy trình. Doanh nghiệp cũng cần thiện chí hợp tác với ngân hàng trong việc thể hiện đúng đối tượng được thụ hưởng để tránh tình trạng trục lợi chính sách”, ông Lực nhấn mạnh.

Từ phía cơ quan chức năng, Thống đốc NHNN Việt Nam vừa có văn bản gửi NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc thiết lập đường dây nóng để xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư số 01/2020/TT-NHNN. Theo đó, Giám đốc NHNN Chi nhánh trực tiếp chỉ đạo xử lý cụ thể và chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN nếu không giải quyết thỏa đáng, kịp thời các phản ánh, kiến nghị, đề xuất liên quan đến Thông tư trên địa bàn.

Thống đốc cũng yêu cầu Giám đốc NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn triển khai quyết liệt Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và hướng dẫn của Hội sở chính; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân dẫn đến các thắc mắc, khiếu kiện.

Chuyên đề