Lãi suất khó giảm trong 2016

(BĐT) - Lãi suất năm 2015 cho thấy mặt bằng lãi suất giảm chỉ bằng 40% so với năm 2011, nhưng huy động vốn vẫn tăng.
Nếu ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất, tiền từ cư dân có thể chuyển sang kênh đầu tư khác. Ảnh: Tiên Giang
Nếu ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất, tiền từ cư dân có thể chuyển sang kênh đầu tư khác. Ảnh: Tiên Giang

Tính đến ngày 21/12/2015, huy động vốn tăng 13,59% so với cuối năm trước, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế; dư nợ tín dụng tăng 18%, cao nhất kể từ năm 2011, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, hiện lãi suất huy động đang có dấu hiệu tăng ở mọi kỳ hạn, áp lực tăng lãi suất cho vay rất cao. 

Lãi suất huy động “rục rịch” tăng

Về nguyên tắc lãi suất phụ thuộc vào quan hệ cung cầu vốn và mức lạm phát của nền kinh tế. Lãi suất huy động phải thực dương, nghĩa là mức lãi suất huy động cao hơn mức lạm phát một mức nhất định thì mới huy động được người gửi tiền. Mặc dù lạm phát năm 2015 chỉ tăng 0,63% so với cuối 2014, bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,05%, nhưng lãi suất huy động hiện vẫn rất cao so với mức lạm phát.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất huy động VND đang phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm.

Tuy nhiên, hiện tại nhiều ngân hàng (NH) đã điều chỉnh tăng thêm lãi suất huy động. Cụ thể, ngày 22/12, VPBank đã điều chỉnh tăng thêm 0,3%/năm đối với lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, kỳ hạn 1 - 2 tháng lãi suất tăng lên 5,1%/năm, 3 tháng lên mức 5,3%/năm, 12 tháng lên mức 7%/năm. Trước đó, Sacombank cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động với mức tăng khoảng 0,3% ở kỳ hạn gửi từ 1 - 2 tháng, tăng 0,1%/năm đối với kỳ hạn 3 - 5 tháng…

Ngoài ra, một số NH còn khuyến khích cộng thêm 0,2% lãi suất khi gửi tiết kiệm trực tuyến so với lãi suất hiện hành. Cụ thể như Eximbank vừa tăng lãi suất, vừa cộng thêm lãi cho khách hàng bán vàng và USD chuyển sang VND và gửi tại NH với mức thưởng từ 0,1 - 0,3%/năm tùy theo mức gửi và kỳ hạn gửi. 

Áp lực tăng lãi suất cho vay

Động thái tăng lãi suất huy động của nhiều NH thời gian gần đây cho thấy khả năng một chu kỳ chạy đua mới sắp diễn ra, khiến lãi suất cho vay có nguy cơ tăng theo. Lãi suất huy động như vậy, nên lãi suất cho vay hiện vẫn rất cao, tùy kỳ hạn từ 7 - 10%.

Lãi suất huy động tăng theo mùa vụ thông thường cuối năm là thời điểm các NH đẩy mạnh huy động vốn bởi nguồn tiền trong dân cư dồi dào hơn, nhu cầu gửi tiết kiệm cũng cao hơn nhờ các khoản lương, thưởng, kiều hối từ nước ngoài gửi về. Theo lý giải của các NH, động thái này chủ yếu nhằm cân đối lại nguồn vốn, tức thu hút vốn kỳ hạn dài nhiều hơn, phục vụ cho vay trung và dài hạn. Thời điểm cuối năm, đang vào mùa sản xuất, kinh doanh nên nhu cầu vay vốn của các DN vẫn cao, vì vậy, NH đã tăng lãi suất huy động để có thêm nguồn vốn phục vụ cho vay.

Lạm phát hiện rất thấp, nhưng nếu NH tiếp tục hạ lãi suất, thì có khả năng tiền từ dân cư sẽ chảy sang kênh USD hoặc kênh đầu tư khác sinh lời hấp dẫn hơn, như bất động sản, chứng khoán… Trong bối cảnh bội chi ngân sách luôn ở mức cao, nợ công có xu hướng tăng nhanh, để bù đắp bội chi ngân sách, cần phải huy động trái phiếu trong và ngoài nước. Hiện nay, hệ thống NH thương mại (TM) vẫn nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) rất lớn. Năm 2016, nhu cầu phát hành TPCP cũng cao, điều này gây áp lực tới lãi suất.

Hiện có 3 yếu tố ảnh hưởng tới lãi suất của Việt Nam là lãi suất TPCP, chỉ số hoán vị rủi ro tín dụng và nợ xấu. Năm 2015 lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm huy động từ 4,8 - 6,5%/năm hiện còn khó huy động, nên năm 2016 khó có thể giảm hơn nữa. Khi lãi suất TPCP tăng lên, thì các NH không thể hạ lãi suất huy động. Nếu NHTM hạ lãi suất thấp hơn nữa thì sẽ rơi vào bẫy thanh khoản.

Chỉ số hoán vị rủi ro tín dụng (CDS) tác động tới việc huy động TPCP, chỉ số này cho biết rủi ro của nhà đầu tư khi nắm giữ TPCP của quốc gia. Hy Lạp rơi vào khủng hoảng nợ khi CDS là 300 điểm. Hiện chỉ số CDS của Việt Nam đang gia tăng rất đáng ngại, khoảng 270 điểm. CDS tăng do vấn đề nợ công của Việt Nam có xu hướng gia tăng và rủi ro cao.

Lãi suất không thể xuống như mong muốn còn do nợ xấu. Mặc dù đến 30/11/2015, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72%, hoàn thành mục tiêu đề ra là 3%, nhưng về thực chất, nợ xấu chưa được giải quyết tận gốc, chỉ là gom lại một nơi, cùng với nó chi phí dành cho hoạt động này rất lớn. Thực tế, dù có chuyển qua VAMC, thì với nợ xấu chưa xử lý được, các NHTM vẫn phải trích lập dự phòng 20%/năm. Cùng với nó tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng chi phí của các NHTM tại Việt Nam từ 16 - 23%, trong khi các NH trong khu vực chỉ từ 11 - 14%. Nguyên nhân không phải do trình độ quản lý của các NHTM quá yếu kém mà vì nợ xấu khiến chi phí tăng mạnh. Chi phí này cao cho thấy khả năng chịu đựng rủi ro của NHTM không nhỏ. Vì vậy, dù NHNN có muốn giảm lãi suất thì chính các NHTM cũng không thể chịu được. Vì vậy, điều hành lãi suất năm 2016 sẽ có nhiều khó khăn và thách thức.

Chuyên đề