Lãi suất “đầu vào” hạ, nhưng chưa đủ để giảm lãi cho vay

Thị trường tiền tệ vài tuần qua chứng kiến việc một số nhà băng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng đợt giảm lãi suất huy động này chưa thể tác động tới lãi suất cho vay.
Các chuyên gia nhận định: Chưa có hiện tượng giảm lãi suất huy động đại trà
Các chuyên gia nhận định: Chưa có hiện tượng giảm lãi suất huy động đại trà

Điểm qua một số nhà băng vừa điều chỉnh giảm lãi suất có thể kể đến MB, lãi suất ở nhiều kỳ hạn ngắn giảm từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm so với đầu tháng 2. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đã giảm 0,2% xuống còn 5,5%/năm. Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại MB vẫn giữ nguyên ở mức 7,2%/năm.

Một ngân NHTMCP khác là VPBank cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động giảm 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 12-36 tháng, giảm 0,3 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6-7 tháng và giảm 0,4 điểm phần trăm kỳ hạn 8-11 tháng.

VIB cũng nằm trong danh sách điều chỉnh lãi suất huy động khi giảm từ 0,3-0,5 điểm phần trăm so với hồi tháng 1 ở các kỳ hạn 1-3 tháng xuống còn 5-5,1%. Các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng đã giảm 0,2-0,4 điểm phần trăm, đưa lãi suất tiền gửi của kỳ hạn 6 tháng là 6% đến 6,3%/năm. 

Còn khối NHTMCP Nhà nước có VietinBank điều chỉnh mức lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng hiện chỉ còn 4,8%, giảm tới 0,5 điểm phần trăm so với trước đây. Tuy nhiên, hầu hết các kỳ hạn dài lại không thay đổi, từ 12 tháng đến dưới 36 tháng, khách hàng gửi tiết kiệm vẫn được hưởng lãi 6,8-6,9%/năm.

Nhìn vào bảng thống kê lãi suất hiện nay trên trang thông tin điện tử laisuat.vn có thể thấy với kỳ hạn tiền gửi 3 tháng các NHTMCP bậc trung và NHTM Nhà nước đang niêm yết quanh mức 5%-5,5%/năm, trong khi kỳ hạn 6 tháng ở các ngân hàng nhóm này ở mức 6%-6,6%/năm; Với nhóm các NHTMCP Nhà nước kỳ hạn 6 tháng chỉ ở mức mức 5% - 5,2%/năm. Kỳ hạn 12 tháng đa số các nhà băng để lãi suất ở mức 6,7% - 7,4%/năm.

Như vậy, chiến lược huy động vốn hiện nay của các nhà băng vẫn ưu tiên cho huy động các kỳ hạn dài khi mức lãi suất vẫn ở mức khá hấp dẫn.

Bình luận về động thái giảm lãi suất huy động ở một số nhà băng, một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng: Có lẽ sau khi các ngân hàng tăng khuyến mại với hình thức bốc thăm nhận lì xì để huy động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cuối tháng 2/2018 thì có vẻ như nguồn vốn vào hệ thống khá nhiều. “ Tôi từng chứng kiến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào phòng giao dịch của ngân hàng nào thì quầy giao dịch gửi tiền cũng rất đông khách, cho thấy các nhà băng đã thành công trong thu hút vốn đầu năm”, vị chuyên gia trên bình luận.

Tiền vào ngân hàng nhiều, trong khi tăng trưởng tín dụng năm 2018 được NHNN định hướng ở mức 17% và ngay trong quý I mức tăng trưởng 2,23% - thấp hơn so với cùng kỳ nên buộc các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất huy động.

“Cũng phải tránh trường hợp vốn huy động vào nhưng không cho vay ra được. Trong khi thanh khoản của hệ thống dồi dào thì ngân hàng cũng không thể kiếm lời trên thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên xét về quy luật nào đó thì đợt giảm lãi suất huy động dù không đại trà vào cuối quý I và đầu quý II cũng có gì đó bất ngờ bởi thường các ngân hàng cần vốn để cho vay ra nền kinh tế mạnh hơn từ quý II. Nhưng quan sát diễn biến thị trường thì đây là sự bất ngờ hợp lý”, Một chuyên gia kinh tế chia sẻ.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, giảm lãi suất huy động sẽ khó trở thành xu thế dài hạn hoặc cả năm mà chỉ xảy ra tại một thời điểm nhất định nào đó. Về lâu dài, xu hướng giảm lãi suất đầu vào rất khó xảy ra, nhất là trong bối cảnh áp lực lạm phát năm nay tăng khá rõ. Chưa kể, khi hạ lãi suất huy động các ngân hàng còn phải tính tới việc cạnh tranh với các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, gần đây đang trở nên hấp dẫn.

Có chung quan điểm như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giảm lãi suất huy động chưa phải trở thành xu hướng và rất khó giảm sâu hơn nữa nên chưa tác động nhiều tới giảm lãi suất cho vay.

Chuyên đề