Kiến nghị về cho vay đóng tàu 67 - BIDV nói gì?

Trước một số ý kiến liên quan đến việc cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 tại tỉnh Bình Định là chưa khách quan, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã cung cấp thông tin chính thức để làm rõ việc triển khai vay vốn đóng tàu này.

Về một số thông tin báo chí phản ánh ý kiến của ngư dân trong quá trình làm thủ tục vay vốn tại BIDV - Chi nhánh Phú Tài (Bình Định), cho rằng có sự móc ngoặc giữa cán bộ Chi nhánh với cơ sở đóng tàu, trụ sở chính BIDV đã cử đoàn công tác vào kiểm tra.

Kết quả, lãnh đạo BIDV khẳng định đến nay chưa thấy có việc BIDV Phú Tài đã chỉ định ngư dân lựa chọn đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương (2 trong số 7 công ty mà ngư dân chọn đóng tàu vay vốn tại BIDV Phú Tài).

Thực tế, việc lựa chọn cơ sở đóng tàu và ký hợp đồng đóng tàu hoàn toàn do ngư dân quyết định trước khi vay vốn ngân hàng. Ngân hàng cũng không chỉ định ngư dân lựa chọn đơn vị đóng tàu.

Hai công ty nói trên cũng là các cơ sở đóng tàu thuộc danh sách 73 đơn vị đủ điều kiện đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt theo Quyết định số 497/QĐ-BNN-TCTS ngày 6/2/2015.

Về vấn đề chi phí đóng tàu, theo quy định về quyền hạn và trách nhiệm của chủ tàu tại Nghị định 67 thì “Chủ tàu tự quyết định lựa chọn mẫu tàu, máy móc trang thiết bị, ngư lưới cụ, cơ sở đóng tàu...”. Theo đó, bà con ngư dân đã chủ động lựa chọn mẫu tàu, thiết kế mẫu tàu và dự toán theo đúng quy định do Bộ NN&PTNT ban hành.

Tuy nhiên, để bảo đảm cho vay phù hợp với giá trị con tàu và hạn chế thấp nhất rủi ro, BIDV Phú Tài đã thuê công ty thẩm định giá độc lập để thẩm định toàn bộ dự toán ban đầu và thẩm định giá trị con tàu hoàn thành trước khi giải ngân lần cuối.

Như vậy, một con tàu hình thành từ vốn vay tại ngân hàng phải qua 2 lần thẩm định giá độc lập, đồng thời được ngư dân giám sát cùng với trung tâm đăng kiểm trong suốt thời gian thi công đóng tàu.

Chính vì vậy, thông tin cho rằng BIDV chỉ định cơ sở đóng tàu cũng như giá con tàu bị đội vốn so với khi đóng ở đơn vị khác là không có cơ sở.

Về vấn đề tài sản bảo đảm, khi thực hiện cho vay Chương trình phát triển thủy sản theo Nghị định 67, BIDV nhận tài sản bảo đảm là chính con tàu hình thành từ vốn vay.

Ngoài ra BIDV khuyến khích khách hàng có tài sản khác bổ sung để bảo đảm cho khoản vay tại ngân hàng khi có sự đồng thuận hoàn toàn giữa ngân hàng và khách hàng nhưng đây không phải là điều kiện bắt buộc khi ngân hàng quyết định cho vay.

Việc khuyến khích khách hàng bổ sung tài sản bảo đảm khác cho khoản vay đóng tàu để nhằm gia tăng trách nhiệm của ngư dân với ngân hàng, bảo toàn vốn của Nhà nước.

Trên thực tế,  BIDV nhận định việc nhận tài sản bảo đảm khác ngoài con tàu đóng mới chỉ phát sinh tại một số rất ít khách hàng và việc này không gây cản trở cho bà con ngư dân trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Do đó, không làm chậm tiến độ triển khai cho vay theo Nghị định 67.

Hiện tại, BIDV đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành theo sát diễn biến sự việc tại tỉnh Bình Định. Trường hợp nếu phát hiện sai phạm, BIDV sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.

Việc triển khai Nghị định 67 là một chủ trương lớn của Chính phủ. Trong thời gian qua, BIDV là một trong những ngân hàng tiên phong, tích cực và trách nhiệm trong việc triển khai cho vay theo Nghị định 67 và sau này là Nghị định 89, Nghị định 172 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 67), được các bộ, ngành đánh giá cao.

Kết quả cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 tại BIDV đến 30/6/2017 có tổng số tiền cam kết cho vay là 4.192 tỷ đồng với 330 con tàu.

Doanh số giải ngân đến thời điểm 30/6/2017 đạt 4.047 tỷ đồng, dư nợ tín dụng 3.901 tỷ đồng. Trong đó, BIDV cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ 47 con tàu, dư nợ 461 tỷ đồng; cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ 264 con tàu, dư nợ 3.382 tỷ đồng; cho vay nâng cấp 19 con tàu, dư nợ 25 tỷ đồng; cho vay vốn lưu động, dư nợ 33 tỷ đồng...

Chuyên đề