Kiểm soát lãi suất để giảm áp lực cho doanh nghiệp

(BĐT) - Trong năm 2018, mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định. Tuy nhiên, đà tăng lãi suất cuối năm 2018 gây lo ngại về một mặt bằng lãi suất mới trong năm 2019 và cần sự kiểm soát hợp lý từ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ để giảm áp lực cho doanh nghiệp và kinh tế vĩ mô.
Mặt bằng lãi suất có xu hướng nhích lên trong năm 2018, rõ nét nhất ở lãi suất huy động. Ảnh: Tâm An
Mặt bằng lãi suất có xu hướng nhích lên trong năm 2018, rõ nét nhất ở lãi suất huy động. Ảnh: Tâm An

Năm 2018, lãi suất cho vay ổn định

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong năm 2018, mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế gia tăng. Theo đó, cơ quan này đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ, tập trung điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý.

Bên cạnh đó, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất chào mua trên thị trường mở (OMO) từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm để góp phần giảm chi phí vốn cho TCTD, chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng và đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động. Kết quả là, mặt bằng lãi suất của các TCTD năm 2018 về cơ bản ổn định, lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn, lãi suất cho vay trung - dài hạn khoảng 9 - 11%/năm.

Về đà tăng lãi suất nửa cuối năm 2018, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN nêu quan điểm: “Lãi suất thường có xu hướng tăng vào dịp cuối năm khi nhu cầu về vốn của các tổ chức kinh tế và cá nhân ở mức cao. Trong điều kiện đó, các TCTD đã cân đối được nguồn vốn để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó, tạo tính thanh khoản tốt cho nền kinh tế. Quan sát kỹ có thể thấy, những tháng đầu năm 2018, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Do đó, với đà tăng nửa cuối năm, lãi suất nhích lên mức tương đương đầu năm, thậm chí thấp hơn một chút”.

Bên cạnh yếu tố cung - cầu về nguồn vốn, mặt bằng lãi suất trong năm qua còn chịu tác động từ động thái điều hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Phân tích về diễn biến này, bà Hồng nói: “Việc Fed tăng lãi suất có thể tác động đến tỷ giá và lãi suất tại Việt Nam, song NHNN điều hành theo hướng bám sát thị trường, kết hợp thị trường nội tệ và ngoại tệ nên đã tăng được khả năng thích ứng và đối phó với các biến động quốc tế. Nhờ đó, NHNN cơ bản duy trì được ổn định về lãi suất”.

Cũng theo bà Hồng, phần lớn nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam ở dạng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là dòng vốn dài hạn nên khá ổn định về lãi suất, trong khi đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam có xu hướng tăng trong thời gian qua nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ. Do đó, mức độ liên thông từ mặt bằng lãi suất quốc tế với thị trường trong nước là không lớn. Điều này cũng thể hiện rõ khi Fed tăng lãi suất thì xu hướng đảo chiều dòng vốn xảy ra ở nhiều nước nhưng lại không diễn ra tại Việt Nam.

Đồng tình với đánh giá này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nhận xét, mặt bằng lãi suất có xu hướng nhích lên trong năm 2018, rõ nét nhất ở lãi suất huy động, lãi suất cho vay chỉ nhích nhẹ song vẫn đảm bảo mặt bằng lãi suất ổn định. 

Sẽ quan sát kỹ và điều hành thận trọng

Về định hướng lãi suất trong năm 2019, NHNN cho biết sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, biện pháp can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.

Về tác động bên ngoài từ chính sách lãi suất của Fed, bà Hồng nhấn mạnh: “Fed dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2019 nhưng sau đó cân nhắc chỉ tăng lãi suất 2 lần. Cuộc họp gần đây của Fed cho thấy, chính sách lãi suất có thể thay đổi để phù hợp với thị trường. Động thái tăng lãi suất của Fed có thể tác động đến thị trường tiền tệ của Việt Nam và NHNN luôn quan sát kỹ về cách thức và mức độ tác động từ chính sách này để có phương hướng điều hành phù hợp”.

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2019 vẫn có áp lực tăng lãi suất với tác động từ xu hướng tăng chung của các nước khác, nhu cầu về vốn trung và dài hạn của nền kinh tế vẫn còn lớn và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức tương đương năm ngoái. “Áp lực tăng lãi suất huy động vẫn còn nhưng dễ chịu hơn năm ngoái. Về lãi suất đầu ra, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cần khéo điều hành và kiểm soát nhằm ổn định lãi suất đầu ra, từ đó, giảm áp lực cho các doanh nghiệp và cả kinh tế vĩ mô”, ông Lực nhấn mạnh.

Chuyên đề