Kịch bản nào cho Gỗ Trường Thành?

(BĐT) - Kể từ khi thông tin đối tác chiến lược là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát quyết định tạm dừng việc chuyển đổi khoản vay trị giá hơn 1.200 tỷ đồng thành cổ phiếu theo những cam kết trước đó giữa hai bên, cổ phiếu TTF của Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành chưa có phiên nào không giảm sàn!
Cổ phiếu TTF đã mất giá 39% sau 7 phiên lao dốc. Ảnh: Nhã Chi st
Cổ phiếu TTF đã mất giá 39% sau 7 phiên lao dốc. Ảnh: Nhã Chi st

Từ mức giá kỷ lục kể từ khi lên sàn (43.600 đồng/CP đóng cửa phiên 18/7/2016), hiện TTF đang giao dịch xung quanh 26.600 đồng, mất giá 39% sau 7 phiên miệt mài lao dốc.

Ông chủ Gỗ Trường Thành “mất” 250 tỷ đồng

Tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch 27/7/2016, tài sản cá nhân ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành còn 391 tỷ đồng. Ông Thành là cổ đông lớn nắm giữ 14,7 triệu CP Gỗ Trường Thành, tương đương 10,17% vốn điều lệ của Công ty. Trước khi rớt giá, tài sản của ông Thành lên tới 641 tỷ đồng. Như vậy, 250 tỷ đồng đã bốc hơi khỏi tài khoản của ông chủ Gỗ Trường Thành chỉ sau một thông tin được công bố từ phía đối tác.

Tuy nhiên, cái mất của ông Thành không chỉ ở tiền bạc.

Từ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, ông Võ Trường Thành hiện chỉ là Chủ tịch HĐQT tại công ty do chính ông gầy dựng. Vị trí đại diện theo pháp luật của Gỗ Trường Thành đã được chuyển giao từ ông Thành sang một đại diện đến từ đối tác Tân Liên Phát.

Tuy nhiên, chuyện được - mất trong thương vụ nghìn tỷ giữa Tân Liên Phát và Gỗ Trường Thành cũng khó có thể tính rạch ròi. Cổ phiếu TTF đã tăng giá khá mạnh sau thông tin hợp tác giữa 2 bên. Ngoài ra, cơ hội cho Gỗ Trường Thành khi hợp tác với Tân Liên Phát chính là được cung cấp nội/ngoại thất cho các dự án mà Tân Liên Phát là chủ đầu tư. Ông Võ Trường Thành ước tính, Tân Liên Phát cũng như Vingroup sẽ tạo ra khoảng 30% doanh số cho Gỗ Trường Thành, ước khoảng 900 tỷ đồng năm 2016 và tăng dần vào các năm tiếp theo. Với kỳ vọng này, ông Thành cho rằng Gỗ Trường Thành “được” thâu tóm chứ không phải “bị” thâu tóm như cách người ta vẫn gọi. 

Việc hợp tác giữa Tân Liên Phát và Gỗ Trường Thành không chỉ ở cam kết chuyển đổi khoản vay 1.200 tỷ đồng. Đối tác này đã kịp gom 72,16 triệu CP TTF từ 12 cá nhân và trở thành cổ đông lớn nhất, nắm gần 50% vốn của Gỗ Trường Thành. Về mặt logic, với việc TTF liên tục giảm sàn, Tân Liên Phát mới chính là tổ chức tổn hại nhiều nhất. Mà nguyên nhân lại đến từ một tuyên bố đơn phương của Tân Liên Phát, khi mọi chuyện chưa thực sự rõ ràng.

Toan tính của Tân Liên Phát

Theo tính toán, chỉ sau 7 phiên giao dịch sau thông tin từ Tân Liên Phát, giá trị CP TTF do công ty này nắm giữ đã sụt giảm tới 1.226 tỷ đồng. 
Với khoản vay 1.200 tỷ đồng từ Tân Liên Phát, Gỗ Trường Thành sẽ phát hành tổng cộng 69,7 triệu cổ phiếu chuyển đổi. Giá chuyển đổi khoảng 17.200 đồng/CP.

Ngoài ra, trong 2 phiên giao dịch đầu tháng 5/2016, Tân Liên Phát đã bỏ ra hơn 1.833 tỷ đồng để gom về gần một nửa số lượng CP lưu hành của Gỗ Trường Thành (72,16 triệu đơn vị - tương đương 49,9% vốn điều lệ của Gỗ Trường Thành).

Trong thông tin được Tân Liên Phát cung cấp cho 1 trang tin điện tử, đơn vị này cho rằng “Tân Liên Phát đã phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa thông tin, số liệu thực tế so với thông tin đã được Gỗ Trường Thành công bố”. Sai lệch đó là gì, giá trị sai lệch bao nhiêu không được công bố.

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường tổ chức sau đó 1 ngày, đại diện Gỗ Trường Thành cho biết những sai lệch được đề cập liên quan đến hàng tồn kho và nợ khó đòi. Doanh nghiệp này từ chối đưa con số khi chưa có kết luận chính thức của đơn vị kiểm toán. Đáng lưu ý, những thông tin bất lợi với Gỗ Trường Thành đều do Tân Liên Phát đơn phương cung cấp cho trang tin nói trên. Từ trước đến nay, Gỗ Trường Thành gần như không bị các cơ quan chức năng nhắc nhở về việc công bố thông tin.

Khi đơn phương chấm dứt/tạm dừng hợp đồng, nguyên nhân thông thường là các điều khoản của hợp đồng được một bên cho rằng không thỏa đáng. Tại hợp đồng chuyển đổi giữa Tân Liên Phát và Gỗ Trường Thành, thiết nghĩ, điều khoản quan trọng nhất là giá chuyển đổi. Phải chăng, mức giá bình quân 17.200 đồng/CP vẫn chưa đủ “rẻ” đối với Tân Liên Phát? Cổ phiếu TTF càng giảm giá, rõ ràng Tân Liên Phát càng có lợi hơn trong việc thương lượng thay đổi điều khoản hợp đồng (nếu có).

Theo tính toán, chỉ sau 7 phiên giao dịch sau thông tin từ Tân Liên Phát, giá trị CP TTF do công ty này nắm giữ đã sụt giảm tới 1.226 tỷ đồng. Nếu dự tính đầu tư ngắn hạn vào TTF, hẳn Tân Liên Phát sẽ không bao giờ công bố thông tin một cách “dại dột” như vậy. Suy cho cùng, những sự cố về việc quản trị tại Gỗ Trường Thành mà Tân Liên Phát phát hiện ra, không nhất thiết phải công bố ra công chúng!

Chính vì vậy, không ngoại trừ việc 2 bên sẽ điều chỉnh các điều khoản hợp đồng chuyển đổi theo hướng có lợi hơn cho Tân Liên Phát, bất chấp việc Gỗ Trường Thành có khắc phục được những vấn đề mà bên này cảnh báo hay không.

Về phía Gỗ Trường Thành, dường như công ty này một mực vẫn muốn hợp tác với Tân Liên Phát vì những lợi ích về lâu dài như ông Thành đã tuyên bố. Thậm chí, cổ đông của Gỗ Trường Thành đã đề nghị Công ty thay vì phát hành cổ phiếu chuyển đổi cho Tân Liên Phát, hãy phát hành cho cổ đông hiện hữu, thu tiền tất toán khoản vay 1.200 tỷ đồng nói trên. Thế nhưng, người đứng đầu Gỗ Trường Thành cho rằng sẽ giải quyết những khúc mắc với Tân Liên Phát trước khi nghĩ đến các giải pháp khác.

Chuyên đề