Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất: Hiệu quả vẫn là ẩn số

(BĐT) - Sau ĐHĐCĐ 7 ngày, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đã công bố nghị quyết chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10:5 (người sở hữu 10 cổ phần sẽ được nhận 5 cổ phần mới) để tăng vốn điều lệ. 
Đến cuối 2016, tổng nợ ngắn hạn phải trả của Hoà Phát xấp xỉ 12.000 tỷ đồng.
Đến cuối 2016, tổng nợ ngắn hạn phải trả của Hoà Phát xấp xỉ 12.000 tỷ đồng.

Đây là một trong những động thái thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của ban lãnh đạo Công ty trong việc phát triển Dự án Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Gia tăng nợ vay, pha loãng cổ phiếu

Ngày 6/2/2017, Hòa Phát được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát. Theo công bố chi tiết tại Nghị quyết ĐHĐCĐ họp ngày 10/3/2017, Dự án có công suất 4 triệu tấn/năm, được chia làm 2 giai đoạn (thời gian xây dựng dự kiến là 4 năm, từ 2017 - 2020) với các sản phẩm chủ yếu là thép thanh vằn, thép cuộn cao cấp và thép cuộn cán nóng. Dự án này sử dụng công nghệ lò cao, khép kín dựa trên mô hình mà Hòa Phát đã xây dựng tại tỉnh Hải Dương.

Dựa trên kế hoạch đầu tư theo Nghị quyết ĐHĐCĐ, Hòa Phát cần đến 40.000 tỷ đồng đầu tư vào xây dựng cơ bản và máy móc thiết bị. Dự án chia làm hai giai đoạn và thực hiện song song nhau.

Theo các thông tin được công bố thì nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 1 được huy động từ hai nguồn. Một là, VietinBank tài trợ 10.000 tỷ đồng, hai là vốn đầu tư của chủ sở hữu 10.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10:5. Thời điểm chốt danh sách cổ đông là 31/3/2017.

Tiếp sau đó, đến quý II/2017, Hòa Phát sẽ tiếp tục huy động thêm 4.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành tỷ lệ 5:1 với giá không thấp hơn 10.000 đồng/CP.

Một điều tất yếu, lợi ích của cổ đông sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp khi Công ty gia tăng các khoản nợ dài hạn và kế hoạch phát hành tăng vốn trong thời gian tới. Tác động dễ nhìn thấy nhất đó là hiệu ứng pha loãng EPS. Theo tính toán, trong trường hợp phát hành tăng vốn tỷ lệ 5:1 thành công vào quý II/2017 thì EPS cơ bản và EPS dự kiến 2017 của Công ty sẽ điều chỉnh giảm 48%, tương đương 5.280 đồng/CP và 4.789 đồng/CP.

Bên cạnh đó, việc gia tăng nợ vay thêm 20.000 tỷ đồng cũng sẽ trực tiếp tạo nên áp lực lớn đối với kết quả kinh doanh giai đoạn 2017 - 2020. Với mức lãi suất bình quân trung, dài hạn dự kiến là 12%/năm, hàng năm Hòa Phát có thể sẽ phải gánh chịu thêm 2.200 tỷ đồng chi phí lãi vay.

Chưa nói đến việc triển khai siêu dự án nêu trên, trong các năm qua, quy mô vay nợ của Hoà Phát không ngừng gia tăng cùng với tiến độ đầu tư, mở rộng các dự án sản xuất gang thép, nông nghiệp… Đến cuối năm 2016, tổng nợ phải trả của Hoà Phát tăng lên tới hơn 13.376 tỷ đồng, trong đó, đa phần là nợ ngắn hạn với xấp xỉ 12.000 tỷ đồng, còn nợ dài hạn chỉ 941 tỷ đồng. 

Nhảy múa con số lợi nhuận

Xây dựng kế hoạch lợi nhuận là việc làm thận trọng dựa trên tính toán kỹ lưỡng giữa sản lượng, tiêu thụ và chi phí. Tuy nhiên, Tập đoàn Hòa Phát đã điều chỉnh  lợi nhuận kế hoạch năm 2017 lên đến 1.000 tỷ đồng chỉ sau vài ngày. Cụ thể, ngày 1/3/2017, HĐQT đã ban hành Nghị quyết số 09/NQHP-2017 điều chỉnh kế hoạch doanh thu lên 40.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.000 tỷ đồng. Trước đó, chính doanh nghiệp này công bố kế hoạch 38.000 tỷ đồng doanh thu và 5.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Ẩn số hiệu quả dự án

Mặc dù ngốn nguồn lực tài chính rất lớn cũng như thời gian, trí lực của những người đứng đầu Tập đoàn Hòa Phát, song hiệu quả của siêu dự án nêu trên vẫn là một ẩn số.

Ngay tại Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 10/3/2017 vừa qua, khi đề cập đến Dự án, doanh nghiệp này chủ yếu trình bày về vốn đầu tư, quy mô, sản lượng, mà không ước tính được lợi nhuận, thị phần thép sau khi hoàn thành Dự án là bao nhiêu. Cổ đông có quyền đặt câu hỏi, liệu có quá phiêu lưu hay không khi rót lượng vốn khổng lồ vào dự án này?

Một khía cạnh khác là vấn đề về tác động môi trường đã được đưa ra bàn luận khi Hòa Phát nhận giấy chứng nhận đầu tư. Bài học từ Formosa năm 2016 là một ví dụ điển hình về những tác động xấu đối với môi trường của dự án thép.

Qua trao đổi với chuyên gia ngành thép, để cho ra 1 tấn thép cần 2 tấn quặng, 3 tấn than đốt. Như vậy, với công suất 4 triệu tấn/năm, mỗi năm Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ thải ra môi trường 10 - 12 triệu tấn bã than, bùn đất. Nếu hoạt động trong 50 năm thì lượng xỉ, bã, bùn than đất này sẽ rất lớn.

Xử lý như thế nào để bảo đảm Nhà máy không làm ảnh hưởng đến môi trường trong khi vẫn phải có lợi nhuận là vấn đề làm đau đầu HĐQT Hòa Phát.

Chuyên đề