Không biến Nghị quyết thành "lá bùa" chống lưng cho sai phạm của nợ xấu

(BĐT) - Không nên để Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng mà Quốc hội ban hành làm "lá bùa" chống lưng cho những sai phạm hoặt ít nhất là thiếu trách nhiệm trong quan hệ tín dụng trước đây lại tiếp tục có cơ hội tái diễn.
Đại biểu Trần Văn Minh -
 đoàn Quảng Ninh.
Đại biểu Trần Văn Minh - đoàn Quảng Ninh.

Đó là quan điểm của đại biểu Trần Văn Minh - đoàn Quảng Ninh tại phiên thảo luận 2 tại hội trường Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Liên quan đến 2 phương án xác định nợ xấu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội.

Phương án 1: Nợ xấu quy định tại nghị quyết này là các khoản nợ quy định tại phụ lục về xác định nợ xấu của nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi phụ lục theo đề nghị của Chính phủ.

Phương án 2: Nợ xấu quy định tại nghị quyết này là các khoản nợ quy định tại phụ lục về xác định nợ xấu của nghị quyết này, và có dư nợ tại thời điểm ngày 31/12/2016. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi phụ lục theo đề nghị của Chính phủ.

Đại biểu Minh cho rằng, nếu quy định phạm vi nợ xấu quá rộng sẽ không phù hợp, làm giảm trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng trong quan hệ tín dụng. Không nên để Nghị quyết mà Quốc hội ban hành làm "lá bùa" chống lưng cho những sai phạm hoặt ít nhất là thiếu trách nhiệm trong quan hệ tín dụng trước đây lại tiếp tục có cơ hội tái diễn.

Mặt khác, Dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm một số chính sách về  xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (sau đây gọi là tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu); quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Do tính chất là thí điểm nên việc thu lại phạm vi điều chỉnh Nghị quyết để kiểm nghiệm chính sách mới sẽ phù hợp hơn.  Bên cạnh đó, Nghị quyết này là giải pháp đặc thù để giải quyết tình huống đặc thù về nợ xấu trong giai đoạn trước đây nên giới hạn lại phạm vi của Nghị quyết chỉ xử lý đối với các khoản nợ xấu tính đến ngày 31/12/2016. Các khoản nợ khác, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng phải nâng cao trách nhiệm trong quan hệ tín dụng để giảm thiểu khả năng phát sinh nợ xấu và tự xử lý nợ xấu phát sinh theo các quy định của pháp luật.

Trong trường hợp lựa chọn phương án 2, đại biểu Minh đề nghị xin ý kiến các đại biểu bằng phiếu và phải nghiên cứu tiếp 2 vấn đề sau. Cụ thể là xem lại thời hiệu của Nghị quyết là 5 năm có phù hợp với việc xử lý nợ xấu tồn đọng và kiểm nghiệm chính sách mới hay không? Hay là nên rút ngắn lại hoặc kéo dài thêm. Hai là, bổ sung thêm các quy định mới hoàn thiện hệ thống pháp luật để việc xử lý nợ xấu được đồng bộ, thực hiện 1 cách căn cơ.

Ngoài ra, đại biểu Minh cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần có báo cáo đánh giá tác động tổng thể về các vấn đề của nợ xấu nếu Nghị quyết được thông qua, làm rõ thêm dự kiến kết quả đạt được khi thực hiện Nghị quyết cụ thể là có bao nhiêu nợ xấu được giải quyết, tỷ lệ nợ xấu giảm số lượng % bao nhiêu trong tổng % vốn đầu tư vào nền kinh tế, lãi suất cho vay giảm được bao nhiêu %, hệ số an toàn vốn được cải thiện ở mức độ nào?

Chuyên đề