Khoảng 10 tỷ USD vốn lưu động thuần của DN Việt đang tồn đọng

(BĐT) - Đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn lưu động tại Việt Nam vừa được PwC Việt Nam công bố, các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vốn lưu động chưa hiệu quả, với chu kỳ tiền mặt (Cash to Cash cycle - C2C) cao hơn các khu vực phát triển như Mỹ, châu Âu từ 10 tới 40 ngày, và hơn các nước trong khu vực châu Á khoảng 15 ngày.
Doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vốn lưu động chưa hiệu quả. Ảnh: Internet
Doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vốn lưu động chưa hiệu quả. Ảnh: Internet

Đây là một trong các kết quả chính trong báo cáo nghiên cứu mới nhất của PwC Việt Nam - Tăng trưởng bền vững và khả năng thanh khoản (“Cash for growth or growth for cash?”). Nghiên cứu này được thực hiện với 400 doanh nghiệp lớn nhất tính theo doanh thu đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

40% cơ hội giải phóng tiền mặt

Theo báo cáo của PwC Việt Nam, chỉ 6 trong số 14 ngành nghiên cứu cải thiện được năng lực quản lý vốn lưu động trong 4 năm qua. Các nhóm ngành ghi nhận cải thiện đáng kể gồm có Năng lượng & Tiện ích khác, Dầu mỏ & Khí đốt và Thương mại (khoảng 15% một năm), trong khi các nhóm ngành như Công nghệ - Truyền thông, Hàng tiêu dùng và Kim loại & Khai khoáng lại ghi nhận suy giảm nghiêm trọng (khoảng 10% một năm).

Đáng chú ý, báo cáo này chỉ ra, khoảng 10 tỷ USD bị tồn đọng trong vốn lưu động thuần, trong đó cơ hội giải phóng tiền mặt lên tới 4 tỷ USD

Tồn đọng trong vốn lưu động thuần của các doanh nghiệp nghiên cứu vào khoảng 10 tỷ USD. Báo cáo của PwC Việt Nam cho thấy cơ hội giải phóng tiền mặt lên tới 40% giá trị tồn đọng trên (khoảng 4 tỷ USD) nếu các doanh nghiệp này đạt được C2C của nhóm 25% doanh nghiệp đứng đầu hiệu quả sử dụng vốn lưu động tối ưu. Các nhóm ngành như Kỹ thuật & Xây dựng, Hàng tiêu dùng và Kim loại & Khai khoáng có lượng tiền mặt tồn đọng trong vốn lưu động lớn nhất và cũng là nhóm sở hữu cơ hội giải phóng tiền mặt nhiều nhất, chiếm khoảng 50% tổng giá trị ước tính.

Dựa vào kết quả hoạt động quá khứ, lượng tiền mặt giải phóng từ việc cải thiện hiệu quả sử dụng vốn lưu động đủ để chi trả cho tổng vốn lưu động và nhu cầu chi phí đầu tư xây dựng cơ bản (Capex) cho 3 năm tới (khoảng 2,5 tỷ USD), tính từ năm tài khóa 2017.

“Chuỗi cung ứng chưa hiệu quả, cùng với sự thay đổi không ngừng nghỉ của môi trường và phương thức giao dịch, đi kèm với các giải pháp thanh toán tài chính chưa được tối ưu hóa là những lí do quan trọng nhất dẫn tới sự tụt hậu trong hoạt động quản lý vốn lưu động từ doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp khác trong khu vực và trên toàn thế giới”, nhận định từ ông Mohammad Mudasser, Phó Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam.

Các doanh nghiệp cần thay đổi gì?

Theo PwC Việt Nam, quản lý vốn lưu động cần được xem là ưu tiên hàng đầu của mỗi doanh nghiệp vì điều này không chỉ ảnh hưởng tích cực tới cân đối kế toán và kết quả hoạt động, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp đạt được các mục tiêu chiến lược.

Tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn lưu động giúp doanh nghiệp cải thiện bảng cân đối kế toán thông qua lượng tiền mặt giải phóng từ các khoản phải thu khi khách hàng trả tiền đúng hạn, giảm thiểu hàng tồn kho thừa nhờ vào quản lý chuỗi cung ứng một cách bài bản. Thêm vào đó, quy trình mua hàng chi tiết hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao vị thế với nhà cung cấp và quản lý tiền mặt và ngân sách hiệu quả cải thiện khả năng tài trợ hoạt động doanh nghiệp.

Rút ngắn C2C ảnh hưởng tích cực lên bảng kết quả hoạt động kinh doanh nhờ vào doanh thu tăng thêm từ cải thiện cân đối cung cầu, giá vốn bán hàng giảm nhờ quản lý khoản phải trả chặt chẽ, đồng thời các chi phí hoạt động khác giảm xử lý một cách khoa học các khâu lưu kho và logistics.

Kết quả, doanh nghiệp có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong việc cắt giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận và đem lại nhiều giá trị tăng thêm cho các nhà đầu tư.

Chuyên đề