Kho bạc Nhà nước đang “rủng rỉnh”, ai mừng, ai lo?

Có lẽ chưa khi nào thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) ở mức thấp như hiện nay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15-5-2017, mặc dù NSNN vẫn đang thâm hụt 21.000 tỉ đồng, nhưng con số này chỉ bằng một phần ba so với cùng kỳ của năm 2016 khi thâm hụt lên tới 67.000 tỉ đồng. Nguyên nhân là do sự chậm chạp trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Chính phủ.
Diễn biến của thị trường tiền tệ trong thời gian tới đang phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ ngải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Diễn biến của thị trường tiền tệ trong thời gian tới đang phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ ngải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Kho bạc Nhà nước đang... thừa tiền

Thâm hụt NSNN thường được bù đắp bằng hai nguồn vốn chính, đó là nguồn vốn vay trong nước, thông qua hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) và nguồn vốn vay nước ngoài. Chỉ tính riêng hoạt động vay vốn trong nước thì cân đối giữa dòng tiền của Chính phủ, thâm hụt NSNN và thặng dư từ phát hành TPCP đã thừa 13.000 tỉ đồng trong hơn 4,5 tháng của năm 2017.

Như vậy, chưa tính nguồn vốn vay ròng từ nước ngoài thì có thể thấy cân đối NSNN của Chính phủ đang tạm thời thừa một khối lượng lớn tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước (KBNN). Trước bối cảnh đó, lần đầu tiên KBNN đã thực hiện chuyển số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước sang tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại (NHTM). Đây là thông tin đã được một số ngân hàng cùng xác nhận.

Ai đang mừng và ai đang lo?

Với việc Kho bạc Nhà nước “thừa tiền”, đem đi gửi tại các ngân hàng thương mại, thì rõ ràng, chính sách tiền tệ đang được hưởng lợi rất nhiều còn chính sách tài khóa lại đang phải “căng mình”.
Ngay sau động thái trên của KBNN, thị trường tiền tệ đã có sự đảo chiều đột ngột. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thường xuyên bám sát mức 5%/năm từ tháng 12-2016 đến cuối tháng 4-2017 đã giảm xuống còn 2,5% vào những ngày cuối cùng của tháng 5-2017. Mặc dù không có sự xác nhận từ NHTM nào về số dư của KBNN tại các NHTM hiện nay, nhưng nhìn vào diễn biến số dư vay nợ của các ngân hàng trên thị trường mở (OMO) vào thời điểm cuối tháng 4-2017 thì có thể phần nào dự đoán được con số trên sẽ vào khoảng 30.000 tỉ đồng. Nhận định trên càng có cơ sở khi dư nợ trên OMO tính tới ngày 29-5-2017 chỉ còn 1.175 tỉ đồng.

Thị trường tiền tệ hiện nay đang rất ủng hộ và đi theo đúng định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, khi thanh khoản của toàn hệ thống được đảm bảo, tỷ giá ít biến động, lạm phát ở mức thấp và có dư địa để hạ lãi suất trên thị trường 1. Tuy nhiên, diễn biến này lại đang gây ra rất nhiều bất lợi cho chính sách tài khóa. Nguồn vốn của Chính phủ đang dư thừa, các dự án đầu tư công thì không được triển khai trong khi vẫn phải trả lãi cho các chủ nợ. Bộ Tài chính sẽ lại phải căng mình tìm nguồn vốn để cân đối trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là việc các dự án sử dụng nguồn vốn từ NSNN chậm được triển khai sẽ cản trở mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017. Từ đó, nó sẽ đe dọa đến tỷ lệ bội chi NSNN cũng như trần nợ công quốc gia. Đây là hai chỉ số rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xếp hạng tín nhiệm (Ratings) của Việt Nam, cuối cùng là tác động đến chi phí huy động vốn của nền kinh tế từ các định chế tài chính quốc tế.

Rõ ràng, trong khi chính sách tiền tệ đang được hưởng lợi rất nhiều thì chính sách tài khóa lại đang phải “căng mình”.

Thị trường tiền tệ đang “ngóng” các dự án đầu tư công

Diễn biến của thị trường tiền tệ trong thời gian tới đang phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Nếu tốc độ giải ngân vốn tăng mạnh trở lại, KBNN trung ương sẽ phải rút tiền từ các NHTM và chuyển vốn cho KBNN của các địa phương, qua đó gây áp lực về thanh khoản trên thị trường tiền tệ do vòng quay của khối lượng tiền trên sẽ chậm hơn nhiều. Nếu việc giải ngân vốn vẫn không có những cải thiện đột phá thì thị trường sẽ tiếp tục xu hướng ổn định như hiện nay.

Việc giải ngân nguồn vốn trên được cho là sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức, cả từ phía chủ quan lẫn khách quan trong thời gian tới. Chủ quan từ phía cung tiền - tức Chính phủ, đó là vấn đề về hồ sơ, thủ tục hành chính vẫn đang là rào cản rất lớn, đặc biệt khi tính chất của các dự án hiện nay ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều bộ, ngành và địa phương. Khách quan từ đơn vị sử dụng vốn, các chủ đầu tư dự án (các bộ, ngành, UBND tỉnh...), đó là tâm lý e ngại về trách nhiệm pháp lý đang bao trùm sau hàng loạt cán bộ bị xử lý kỷ luật trong thời gian gần đây. Do vậy, phần lớn sẽ có tâm lý đẩy việc, hay đòi hỏi nhiều bộ, ngành khác phải cùng có ý kiến tham gia, đánh giá... thậm chí đẩy trách nhiệm lên cho cả Thủ tướng Chính phủ. Diễn biến này đã khiến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ than rằng “Thủ tướng và Chính phủ thời gian qua phải họp rất nhiều do các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh không làm tròn trách nhiệm, né việc, đẩy việc lên”(5).

Với diễn biến như vậy thì tốc độ giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản sẽ khó có thể đạt được mục tiêu. Để giải quyết triệt để vấn đề này có lẽ Chính phủ cần “học tập” mô hình hoạt động của các doanh nghiệp. Đó là cần có có sự phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cụ thể và rõ ràng cho từng bộ, ngành và cá nhân thông qua việc áp dụng hệ thống KPIs (Key Performance Indicators). Cùng với đó, cần có cơ chế khen thưởng cũng như xử phạt, trong đó, tập trung chủ yếu vào người đứng đầu của các đơn vị. Có như vậy thì bộ máy nhà nước mới có thể vận hành trơn tru và nhịp nhàng hơn.

Chuyên đề