Khi ngân hàng lấn sân bảo hiểm

(BĐT) - Trở thành cổ đông sáng lập hoặc liên doanh, liên kết mở công ty bảo hiểm trong lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ là hướng đi đang được nhiều ngân hàng lựa chọn. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các công ty này đến đâu thì vẫn là một dấu hỏi lớn.
Techcombank cấp 100% vốn để thành lập Công ty Bảo hiểm nhân thọ Ngân hàng Kỹ thương. Ảnh: Huyền Trang
Techcombank cấp 100% vốn để thành lập Công ty Bảo hiểm nhân thọ Ngân hàng Kỹ thương. Ảnh: Huyền Trang

Liên kết ngân hàng và bảo hiểm là chưa đủ?

Mới đây, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thực hiện lấy ý kiến cổ đông về việc thành lập Công ty Bảo hiểm nhân thọ. Đây là trường hợp đầu tiên một ngân hàng thương mại thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ 100% vốn.

Theo Đề án thành lập, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Ngân hàng Kỹ thương là công ty con trực thuộc Techcombank có số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do Techcombank cấp 100% vốn. Toàn bộ kết quả kinh doanh của Công ty sẽ được hạch toán vào thu nhập và chi phí của Techcombank. Ngoài nguồn vốn kinh doanh 1.000 tỷ đồng ban đầu được cấp từ Techcombank, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Ngân hàng Kỹ Thương sẽ không có hoạt động giao dịch về nguồn vốn với Techcombank, Techcombank cũng không cho Công ty vay vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều đáng nói trước khi công bố nội dung thành lập Công ty Bảo hiểm nhân thọ, Techcombank đã hợp tác với một số công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài hoạt động trên thị trường Việt Nam như Prudential, Manulife, Generali... nhằm tư vấn giới thiệu khách hàng cho các công ty bảo hiểm dưới hình thức các sản phẩm Bancassurance (sản phẩm liên kết ngân hàng và bảo hiểm). Theo nhà băng này, dư địa gia tăng lợi nhuận trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vẫn còn lớn, đủ hấp lực thành lập một công ty bảo hiểm riêng.

Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ hiện có 7 loại sản phẩm bảo hiểm được Bộ Tài chính thống nhất quản lý, ban hành các điều khoản và biểu phí cho từng loại sản phẩm. Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ bao gồm: Bảo hiểm trọn đời; Bảo hiểm sinh kỳ;  Bảo hiểm tử kỳ;  Bảo hiểm hỗn hợp; Bảo hiểm trả tiền định kỳ;  Bảo hiểm đầu tư liên kết; Bảo hiểm hưu trí. Các DN bảo hiểm nhân thọ nước ngoài đang chiếm lĩnh cuộc chơi với vị thế áp đảo.

Theo báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm toàn cầu tiếp tục tăng trưởng trong 2 năm tới, được dự đoán ở mức khoảng 4,3% năm 2015 và 4,2% năm 2016. Tại các thị trường mới nổi, doanh thu phí được dự đoán tăng trưởng 10,4% năm 2015 và 10,7% năm 2016. Tại các thị trường bảo hiểm đã phát triển, tỷ lệ doanh thu từ bảo hiểm tiết kiệm trên tổng doanh thu có chiều hướng giảm dần kể từ năm 2000, trong khi ở các thị trường mới nổi tỷ lệ này có chiều hướng tăng dần, tiệm cận tỷ lệ tại các thị trường đã phát triển.

Mặc dù được đánh giá là tiềm năng, nhưng khác với phi nhân thọ, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là công việc không dễ dàng, đòi hỏi yêu cầu cao về thiết kế sản phẩm, quản trị kênh bán hàng, hệ thống công nghệ thông tin... Thách thức rất lớn cho Techcombank khi là người đi sau trong cuộc chơi bảo hiểm nhân thọ, nếu hoạt động kinh doanh không có sự khác biệt sẽ khó có thể cạnh tranh, tồn tại.

Chưa cần so sánh với các “ông lớn” nước ngoài đã hiện diện và chiếm lĩnh thị phần vững chắc tại Việt Nam (Prudential, AIA, ACE Life…) hay doanh nghiệp (DN) chuyên nghiệp về bảo hiểm nhân thọ trong nước (Bảo Việt nhân thọ), Techcombank sẽ cạnh tranh như thế nào với các “ông lớn” ngân hàng thành lập DN bảo hiểm nhân thọ nhiều năm như Vietinbank, Vietcombank?

Được thành lập từ năm 2008, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank-Cardif (VCLI) là liên doanh giữa Vietcombank, Tập đoàn tài chính BNP Paribas Cardif và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). VCLI hoạt động dựa trên mô hình bảo hiểm liên kết ngân hàng, sử dụng nguồn lực sẵn có của ngân hàng kết hợp với sản phẩm bảo hiểm. Sau đó 3 năm,Vietinbank thành lập Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietinbank Aviva (Vietinbank Aviva Life) với số vốn điều lệ là 800 tỷ đồng, trong đó: VietinBank góp 400 tỷ đồng, tương ứng 50% vốn điều lệ; Aviva International Holdings (tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 6 trên thế giới và lớn nhất tại Anh) góp 320 tỷ đồng, tương ứng 40% vốn điều lệ và Aviva Ltd. góp 80 tỷ đồng, tương ứng 10% vốn điều lệ.

Có mặt trên thị trường đã nhiều năm, có mạng lưới phân phối rộng lớn của ngân hàng mẹ nhưng đến nay cả VCLI và Vietinbank Aviva Life đều chiếm thị phần rất khiêm tốn trên thị trường. Khoảng 80% thị phần doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ nằm trong tay 5 “ông lớn”, nhưng không có hai liên doanh kể trên.

Thành lập rồi bán?

Xác định bảo hiểm nhân thọ là lĩnh vực đặc thù, để kinh doanh hiệu quả, nhiều DN trong nước phải bắt tay tập đoàn lớn của nước ngoài như trường hợp của Vietinbank hay Vietcombank. Theo nhận định của một số nhà đầu tư, việc Techcombank rót 100% vốn,tương ứng 1.000 tỷ đồng thành lập Công ty con bảo hiểm nhân thọ có thể là bước đi ban đầu sau đó tìm cách bán cổ phần (CP) cho đối tác ngoại.

Mới đây, Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí (PVI) đã bán 26% phần vốn (tương ứng 2,6 triệu CP) tại Công ty Bảo hiểm nhân thọ PVI Sunlife cho đối tác Sun Life Financial của Canada và chỉ còn nắm giữ 25% vốn. PVI Sun Life có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, được thành lập vào năm 2013 bởi PVI vàSun Life Financial, trong đó, PVI nắm quyền chi phối do sở hữu 51% vốn điều lệ.

Trong Biên bản giải trình kết quả kinh doanh quý IV/2015 tăng trên 10%, PVI cho biết do Công ty chuyển nhượng 26% vốn đầu tư tại Công ty PVI Sunlife và thu được lãi từ giao dịch này. Báo cáo tài chính của PVI cho thấy, năm 2015 lợi nhuận sau thuế tăng đột biến đạt 530 tỷ đồng, trong khi năm 2014 chỉ đạt 244 tỷ đồng. Không công bố chính thức giá bán CP cho đối tác, nhưng theo tính toán của giới đầu tư, PVI thu lãi hàng trăm tỷ đồng từ giao dịch bán CP Công ty Bảo hiểm nhân thọ.

Chuyên đề