Khi cung tiền giảm...

Lãi suất huy động đang tăng nhanh, chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì sao?
Tổng cung tiền (M2) của toàn hệ thống mới chỉ đạt 9% trong chín tháng đầu năm 2018, thấp hơn nhiều so với con số 10,6% của cùng kỳ năm 2017. Ảnh: THÀNH HOA
Tổng cung tiền (M2) của toàn hệ thống mới chỉ đạt 9% trong chín tháng đầu năm 2018, thấp hơn nhiều so với con số 10,6% của cùng kỳ năm 2017. Ảnh: THÀNH HOA

Mặt bằng lãi suất huy động bắt đầu có dấu hiệu tăng từ cuối tháng 8-2018 khi nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước đồng loạt tăng lãi suất huy động. Nguyên nhân khi đó chỉ đơn giản là để thu hẹp khoảng cách với các ngân hàng còn lại, lúc đó đang vào khoảng 0,5-0,7% tùy từng kỳ hạn nhằm giữ thị phần.

Tuy nhiên, gần đây, Agribank, Vietcombank, VietinBank tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn (dưới 12 tháng). Trước đó, hàng loạt ngân hàng tốp đầu như MB, VPBank, VIB hay SHBank đều tăng mạnh lãi suất huy động lên trên mức 7%/năm áp dụng cho kỳ hạn sáu tháng. Chênh lệch mặt bằng lãi suất huy động giữa nhóm các ngân hàng lớn (G12) với các ngân hàng nhỏ hơn hiện nay chỉ vào khoảng 0,1-0,3% tùy từng kỳ hạn.

Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay luôn được áp dụng ở mức trên 4,75%/năm - mức lãi suất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm vốn qua thị trường mở và có thời điểm đã tiệm cận mức 5-5,25%/năm. Theo đó, nhiều ngân hàng đã phải vay vốn từ NHNN thông qua thị trường mở (OMO). Số dư qua OMO hiện đã trên 60.000 tỉ đồng tính đến hết ngày 14-12-2018. Thời điểm và số dư OMO như trên đến sớm hơn so với chu kỳ của nhiều năm gần đây.

Trong bối cảnh mà khoảng thời gian căng thẳng về thanh khoản của toàn hệ thống đang đến gần do cầu tiền của nền kinh tế ở mức rất cao vào thời điểm cuối năm, xem ra động thái tăng lãi suất của các ngân hàng sẽ chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lãi suất tăng vì cung tiền giảm

Bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay đang làm nhiều người khó hiểu. Đâu là nguyên nhân thực sự khiến các ngân hàng phải liên tục đẩy lãi suất huy động lên cao? Bởi lẽ, tăng trưởng tín dụng đang ở mức rất thấp, khoảng 10% trong 10 tháng đầu năm 2018, thấp hơn mức 12,7% của cùng kỳ năm 2017 hay 13,4% của cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, lạm phát cũng đang được kiểm soát rất tốt, nhiều khả năng bình quân năm 2018 sẽ chỉ vào khoảng 3,5-3,6%, tương đương với mức bình quân của năm 2017 nhưng thấp hơn khá nhiều so với con số mục tiêu ban đầu ở mức 4%.

Lạm phát và tăng trưởng tín dụng đều đang ở mức thấp so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy nhu cầu về tiền trong nền kinh tế hiện đang ở mức thấp. Do đó, lãi suất huy động tăng chắc chắn sẽ đến từ phía cung tiền của hệ thống ngân hàng.

Số liệu của NHNN cho thấy, tổng cung tiền (M2) của toàn hệ thống mới chỉ đạt 9% trong chín tháng đầu năm 2018, thấp hơn nhiều so với con số 10,6% của cùng kỳ năm 2017 hay 13,5% của năm 2016.

Tăng trưởng cung tiền phụ thuộc vào hai yếu tố chính. Thứ nhất, đó là lượng tiền cơ sở, hay lượng tiền mà NHNN in thêm để đưa vào lưu thông. Diễn biến của thị trường tiền tệ trong năm 2018 đang có sự khác biệt so với năm 2016 cũng như năm 2017. Sau khi mua được khoảng gần 9 tỉ đô la Mỹ trong sáu tháng đầu năm thì trong khoảng năm tháng gần đây NHNN đã bán ra khoảng gần 6 tỉ đôla Mỹ. Như vậy, lượng tiền ròng mà NHNN bơm ra từ đầu năm 2018 đến nay chỉ vào khoảng 3 tỉ đô la Mỹ, tương đương với khoảng gần 70.000 tỉ đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 12,5 tỉ đô la Mỹ của năm 2017 hay 8,4 tỉ đô la Mỹ của năm 2016.

Giải ngân đầu tư công chậm đang là rào cản ở cả phía cung và cầu của nền kinh tế. Chính vì vậy, giải pháp cốt lõi cho vấn đề lãi suất huy động tăng, hiệu quả thu chi NSNN cũng như nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế trong tương lai là phải đẩy nhanh hơn nữa việc giải phóng nguồn vốn đầu tư từ NSNN.
Nhưng đó không phải là nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ hai và cũng là nguyên nhân sâu xa, đó là vòng quay hay tốc độ quay vòng của dòng tiền trong nền kinh tế. Dường như vòng quay của tiền trong nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại, theo số liệu về M2 ở trên. Tuy nhiên, lý do của tình trạng này không xuất phát từ khu vực doanh nghiệp mà đến từ hoạt động đầu tư của Nhà nước: tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản hay còn gọi là đầu tư công. Chính phủ vẫn phát hành trái phiếu để huy động vốn từ dân cư thông qua hệ thống ngân hàng hay vay vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế nhưng lại không giải ngân được hết số tiền này. Theo số liệu không chính thức thì số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các ngân hàng thương mại và NHNN hiện đã lên tới gần 400.000 tỉ đồng, trong khi nhu cầu chi tiêu chỉ vào khoảng 100.000 tỉ đồng/tháng.

Việc Chính phủ đi vay tiền nhưng không giải ngân được là nguyên nhân chính khiến cho tổng cung tiền đang tăng chậm hơn so với nhu cầu vốn của nền kinh tế và đã buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động trong thời gian qua.

Những hệ lụy cho nền kinh tế

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy tính đến hết tháng 11-2018, chi đầu tư phát triển mới chỉ giải ngân được 239.600 tỉ đồng, đạt khoảng 60% so với dự toán của cả năm 2018. Vấn đề tiền thừa đang ứ đọng tại KBNN không phải là mới và lãnh đạo Chính phủ cũng đã nhiều lần nêu quan ngại.

Đầu tiên là sự lãng phí về chi phí huy động vốn, vì mặc dù thừa tiền nhưng ngân sách nhà nước (NSNN) thì vẫn phải chi trả lãi vay đều đặn hàng tháng, hiện vào khoảng 9.000 tỉ đồng/tháng. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này thì thâm hụt NSNN sẽ ngày càng khó có khả năng thu hẹp như kỳ vọng.

Tiếp đến và như là một hệ quả tất yếu khi lãi suất huy động tăng, chắc chắn lãi suất cho vay ra nền kinh tế sẽ tăng theo. Và nó ngay lập tức trở thành một rào cản đối với doanh nghiệp trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng của người dân.

Như vậy, giải ngân đầu tư công chậm đang là rào cản ở cả phía cung và cầu của nền kinh tế. Chính vì vậy, giải pháp cốt lõi cho vấn đề lãi suất huy động tăng, hiệu quả thu chi NSNN cũng như nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế trong tương lai là phải đẩy nhanh hơn nữa việc giải phóng nguồn vốn đầu tư từ NSNN.

Chuyên đề