Khi áo mưa, cốc, bát... lên quầy giao dịch ngân hàng

Nhu cầu hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN là chính đáng, song các ngân hàng sẽ khó giảm thấp hơn so với mức lãi suất hiện tại khi giá vốn đầu vào đang trong xu hướng tăng.
Khi áo mưa, cốc, bát... lên quầy giao dịch ngân hàng

Huy động thực tế đang cao

Trao đổi với ĐTCK, nhân viên giao dịch của một ngân hàng TMCP cho biết, việc tặng quà cho khách hàng khi gửi tiết kiệm VND hay gửi ngân hàng giữ USD như ô, áo mưa, bộ cốc, bộ bát… đã là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Để thu hút khách hàng hơn nữa, các ngân hàng đang thực hiện tặng tiền cho khách dưới nhiều hình thức như tặng voucher mua xăng, mua hàng tại siêu thị, mua vàng…, đặc biệt, tại một ngân hàng có vốn của Nhà nước, khách hàng VIP còn được tặng trực tiếp bằng tiền mặt.

“Đối với khách hàng thông thường, quà tặng là tiền mặt hay voucher tương đương 0,2%/năm lãi suất, còn đối với khách hàng VIP, ngân hàng nâng mức lãi suất tặng thêm lên tới 0,5%/năm. Điểm thú vị là luôn có sẵn một ‘đội’, trong trường hợp khách hàng không muốn cầm voucher có thể bán lại với mức giá chiết khẩu từ 93-97% giá trị voucher”, nhân viên trên cho biết.

Đến 30/4/2016, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn TP. Hà Nội ước đạt gần 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 1,02% so với thời điểm 31/12/2015; tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cả cho vay và đầu tư) đạt xấp xỉ 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 4,8% so với thời điểm 31/12/2015.   

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội)

Tình trạng trên cho thấy, lãi suất huy động thực tế không những không giảm, mà còn tăng. Điều này cũng đã được phản ánh trong Báo cáo tình hình kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) vừa công bố.

Theo Báo cáo, thanh khoản có dấu hiệu chịu áp lực, đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong tuần từ 4/4 đến 8/4 tại tất cả các kỳ hạn (tăng 1 điểm phần trăm so với tuần cuối tháng 3/2016).

Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, trong tháng 4, lãi suất liên ngân hàng qua đêm có thời điểm đã tăng cao ở mức 4-4,5%, trong khi cùng thời điểm ở các tháng trước chỉ từ 1-2%.

Chia sẻ với ĐTCK, trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng TMCP thừa nhận, có biết về việc tặng quà bằng voucher hay tiền mặt tại ngân hàng mình, nhưng đây không phải là do thanh khoản của ngân hàng có vấn đề.

“Khi các ngân hàng đều làm như vậy, nhất là khi trong đó có cả ngân hàng có vốn Nhà nước, thì buộc các ngân hàng khác phải vào cuộc để giữ mặt bằng chung và giữ khách hàng của mình. Tôi muốn chia sẻ thêm một điều rằng, việc áp một định mức cụ thể trong huy động đối với nhân viên ngân hàng hiện không còn nặng nề như trước”, vị trưởng phòng này nói.

Báo cáo của UBGS cũng cho biết, lãi suất huy động trên thị trường tăng đã đẩy lãi suất cho vay tăng nhẹ lên mức 9,3-11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn, thậm chí một số ngân hàng TMCP đã nâng lãi suất cho vay dài hạn (từ 12-60 tháng) lên tới 11,5%/năm.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-Chi nhánh Hà Nội về tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn Thành phố tháng 4/2016 thông tin thêm, lãi suất cho vay thông thường bằng VND có xu hướng tăng, một số ngân hàng TMCP đã điều chỉnh tăng nhẹ ở mức từ 0,2-1%/năm.

Thông tin từ NHNN-Chi nhánh Hà Nội cho hay, dự kiến đến 30/4/2016, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt gần 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 1,02% so với thời điểm 31/12/2015, trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cả cho vay và đầu tư) đạt xấp xỉ 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 4,8% so với thời điểm 31/12/2015. Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một ngân hàng TMCP chia sẻ, đến cuối tuần trước, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống chỉ đạt 3,8%, trong khi huy động vốn đạt 4,5%. 

Giải pháp nào để hạ giá vốn?

Theo UBGS, lãi suất huy động tăng nguyên nhân xuất phát từ nhóm các ngân hàng TMCP có tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) và tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn cao hơn mức dự kiến điều chỉnh tại Thông tư 36. Mặt khác, lãi suất liên ngân hàng thời gian qua tăng chủ yếu do áp lực từ tăng lãi suất huy động trên thị trường 1, bởi các ngân hàng đang tăng dự trữ vốn phục vụ cho nhu cầu tín dụng dự báo tăng cao hơn trong quý II này.

Vấn đề đặt ra là, chắc chắn DN sẽ được hưởng lợi, nhưng làm thế nào để hạ lãi suất xuống? Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, có thể hạ được lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5-1%/năm nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, với trọng tâm là vai trò điều tiết thị trường tiền tệ của NHNN.

Cụ thể, NHNN xem xét điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ mức hiện nay là 3% (kỳ hạn dưới 1 năm), 1% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với VND và 8% (kỳ hạn dưới 1 năm), 6% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với ngoại tệ về cùng 1 mức là 1%, riêng tỷ lệ với ngoại tệ kỳ hạn ngắn có thể xem xét ở mức 3%. Đồng thời điều chỉnh giảm tỷ lệ dữ trữ thanh khoản (theo Thông tư 36) từ mức ≤ 10%, về mức ≤ 8%. Khi đó, có thể giải phóng thêm nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế khoảng 100.000 tỷ đồng.

Song song với đó, giảm lượng phát hành trái phiếu chính phủ. Các TCTD nắm giữ tới 85% trái phiếu chính phủ. Riêng 4 tháng đầu năm 2016, Chính phủ đã phát hành thành công 102.000 tỷ đồng, trong đó, các TCTD nắm giữ đến 97.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2016, Kho bạc Nhà nước sẽ phát hành tổng cộng 220.000 tỷ đồng. Như vậy, với tỷ lệ tham gia 85% như trên, vốn các TCTD đầu tư trái phiếu chính phủ khoảng 187.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, các ngân hàng TMCP được tái cấp vốn rất ít và hạn chế"Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà
Đây là nguồn vốn trung-dài hạn cần thiết để phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế. Vì vậy, để giảm sức ép lên lãi suất và cạnh tranh nguồn vốn này, Chính phủ cần xem xét giảm kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ ở mức khoảng 10%. Nguồn bù đắp cho phần thiếu hụt sẽ lấy từ nguồn siết chặt đầu tư công và khoản chi thường xuyên của ngân sách, đồng thời tăng cường phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ…

“Chính phủ và NHNN đẩy nhanh cơ chế, thủ tục tái cấp vốn/cấp bù lãi suất nhằm tăng hiệu quả quay vòng vốn, đồng thời đẩy nhanh xử lý nợ xấu giúp các ngân hàng có thêm vốn để phục vụ DN. Theo Thông tư 18 của NHNN, các ngân hàng TMCP được tái cấp vốn tối đa 70% cho trái phiếu đặc biệt của VAMC. Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng TMCP được tái cấp vốn rất ít và hạn chế”, ông Hà nhấn mạnh.

UBGS kiến nghị, xem xét lộ trình điều chỉnh Thông tư 36 và có giải pháp thích hợp cho các TCTD đang có tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn cao vượt mức dự kiến điều chỉnh. Bên cạnh đó, trong bối cảnh đầu tư tư nhân đang gặp những khó khăn, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2016 để đảm bảo mục tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nhất là việc khẩn trương xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý-sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; nghiêm túc thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết 19…            

Chuyên đề