“Khát vốn” đổi mới công nghệ

(BĐT) - Để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển và nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa nội địa, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm tăng hàm lượng khoa học và công nghệ (KH&CN), tăng sử dụng hàng Việt trong các gói thầu sử dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, theo Bộ KH&CN, kết quả vẫn chưa đạt được như mong đợi.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Khó khăn trong hoạt động

Bàn về các chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) thực hiện hoạt động KH&CN hiện nay, Bộ KH&CN cho biết, hiện có các chính sách như cấp kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; ưu đãi về các loại thuế; ưu đãi thuê đất, tín dụng… Tuy nhiên, theo Bộ KH&CN, cơ chế triển khai giữa các cơ quan tài chính, tín dụng còn thiếu sự thống nhất. “Trong khi chủ trương là khuyến khích DN trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN, thì cơ quan thuế vẫn coi tiền trích lập từ Quỹ là tiền ngân sách. Điều này khiến DN khó thực hiện, không sử dụng được Quỹ. Một số DN Nhà nước có quy mô lớn như Viettel, VNPT, PVN... đã phàn nàn về tình trạng không tiêu được tiền của Quỹ”, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học công nghệ (PTTT&DNKHCN) chia sẻ. 

Theo Bộ KH&CN, do kinh phí chủ yếu là từ ngân sách nhà nước nên số lượng DN được hỗ trợ để thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển rất hạn chế. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho DN hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng gặp nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, việc hình thành Quỹ Phát triển KH&CN tại DN đang gặp nhiều khó khăn. Tại Hà Nội, có 45 DN và 2 tổ chức KH&CN đã thành lập Quỹ, nhưng chỉ có 10 DN có báo cáo tài chính về tình hình sử dụng Quỹ, đặc biệt 1 DN đã phải giải thể Quỹ vì không có vốn để duy trì hoạt động. 

Tăng tính liên kết giữa các quỹ hỗ trợ

Lý giải thực trạng này, Bộ KH&CN cho biết, trước tiên là do lãnh đạo DN chưa thật sự quan tâm đến việc đầu tư cho cải tiến hay áp dụng KH&CN. Thứ hai là các quy định về việc sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN còn chưa hợp lý, cản trở DN trong việc sử dụng Quỹ thực hiện các hoạt động KH&CN.

Đặc biệt, mặc dù số lượng DNNVV chiếm đông đảo, nhưng với doanh thu thấp, năng suất lao động hạn chế, trong khi chi phí hoạt động ngày càng cao, nên kể cả khi các DN trích tối đa tỷ lệ mà Luật Thuế thu nhập DN cho phép là 10% thu nhập chịu thuế để đầu tư cho hoạt động phát triển KH&CN của DN, thì giá trị của khoản đầu tư này cũng rất nhỏ, không đủ để đổi mới công nghệ. Do đó, cần có sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các quỹ KH&CN của DN thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển.

Để tăng nguồn lực thực hiện hoạt động KH&CN, đồng thời khắc phục những điểm bất cập hiện nay, Cục PTTT&DNKHCN cho biết, Bộ KH&CN đang xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích DN trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN. Cùng với đó, Bộ cũng kiến nghị xây dựng Thông tư liên tịch với Bộ Tài chính, đảm bảo sự nhất quán trong chính sách khuyến khích DN đầu tư cho KH&CN.

Ông Trần Xuân Đích cho rằng: “Lúc này, việc cần làm là sớm có cơ chế cho phép các DN, nhất là DNNVV liên kết với nhau trong một lĩnh vực như công nghệ thông tin… để bổ sung tính đa dạng và gắn kết, thống nhất về mục tiêu chung trong các hoạt động KH&CN, nâng quy mô của hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động này. Sự tăng cường phối hợp hoạt động giữa các loại quỹ là cần thiết, khắc phục hạn chế của mỗi loại quỹ cả về quy mô nguồn vốn; tính chất và phạm vi hoạt động”.

Chuyên đề