IPO Bia Việt Hà: Bầu Hiển thích bia hay đất?

Việc nhanh chân trở thành cổ đông chiến lược của Bia Việt Hà thông qua công ty con là Vegetexco, khiến giới đầu tư đang đặt câu hỏi ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Tập đoàn T&T đang lấn sân sang mảng kinh doanh mới, hay vẫn chỉ nhằm vào “đất vàng”.
IPO Bia Việt Hà: Bầu Hiển thích bia hay đất?

Kết quả kinh doanh khiêm tốn của Bia Việt Hà 

Ngày 26/1, phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH MTV Đầu tư Việt Hà - doanh nghiệp được biết đến với thương hiệu Bia Việt Hà khá nổi tiếng sẽ diễn ra với 18,7 triệu cổ phần được chào bán với giá 10.000 đồng/cổ phần. 

Được thành lập từ năm 1966, tiền thân là Xí nghiệp nước chấm. Năm 2005, Việt Hà đã chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ - con với 100% vốn sở hữu thuộc UBND TP. Hà Nội. Hiện nay, Việt Hà đang sở hữu vốn tại 4 công ty con, bao gồm CTCP Bánh mứt kẹo Hà Nội, CTCP Tràng An, CTCP Rượu quốc tế và CTCP Đầu tư và Xây dựng Việt Hà. Trong số này, Bánh mứt kẹo Hà Nội và Tràng An là 2 thương hiệu bánh mứt kẹo khá có tiếng của Hà Nội. 

Ngoài ra, Việt Hà cũng có phần vốn góp lớn tại CTCP Dược phẩm Hà Nội (40%), CTCP Bia và Nước giải khát Việt Hà (37,2%)… 

Mặc dù sử dụng nhiều khu đất có vị trí đẹp, diện tích lớn, nhưng giá trị doanh nghiệp của Việt Hà được xác định lại theo phương án cổ phần hóa chỉ là 849,93 tỷ đồng
Mặc dù sở hữu và có vốn góp tại nhiều thương hiệu lớn, nhưng kết quả kinh doanh của Việt Hà khá khiêm tốn. Báo cáo tài chính của Việt Hà từ năm 2011-2014 cho thấy, Công ty có doanh thu khá ổn định qua các năm, đạt trên 200 tỷ đồng/năm, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2014 đạt 0,3%. 9 tháng đầu năm 2015, Việt Hà đạt doanh thu 191,94 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4,3 tỷ đồng. Đóng góp phần lớn trong doanh thu các năm của công ty là từ sản phẩm bia, chiếm tỷ trọng trên 95%. 

Nếu so sánh ROE 2014 của Việt Hà với các doanh nghiệp cùng ngành là Habeco, Sabeco, tỷ lệ của Việt Hà (0,03%) là rất thấp khi ROE của các doanh nghiệp trên đều đạt từ 21-23%. 

Lại câu chuyện “đất vàng”? 

Tuy nhiên, điều khiến giới đầu tư đặt nhiều quan tâm cho phiên IPO sắp tới của Việt Hà, đó là doanh nghiệp này cũng giống một số doanh nghiệp đã IPO thành công trong năm qua, sở hữu quỹ đất lớn tại các vị trí đẹp trong nội thành Hà Nội. 

Ngoài khu đất số 254 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) diện tích 2.354,8 m2 là đất thuê trả tiền hàng năm với thời hạn 50 năm, Việt Hà đang sở hữu quyền sử dụng đất tại 3 vị trí “vàng” tại Hà Nội là 87 Lĩnh Nam (19.903 m2), 11 - 13 Nguyễn Chí Thanh (1.071 m2) và 96 Hàng Trống (261,8 m2). 

Trong đó, lô đất 87 Lĩnh Nam được hợp tác liên doanh với CTCP xây dựng và kỹ thuật Việt Nam (Vinaenco) thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng và nhà ở để bán. Lô đất số 11 - 13 Nguyễn Chí Thanh đang được thực hiện Dự án xây dựng công trình hỗn hợp và nhà ở để bán. 

Mặc dù sử dụng nhiều khu đất có vị trí đẹp, diện tích lớn, nhưng giá trị doanh nghiệp của Việt Hà được xác định lại theo phương án cổ phần hóa chỉ là 849,93 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước là 768,73 tỷ đồng. 

Theo phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa, dự kiến vốn điều lệ của Việt Hà đạt 769 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 51%, người lao động giữ 0,34%, nhà đầu tư chiến lược Vegetexco nắm giữ 24,33% và nhà đầu tư đấu giá 24,33%.  

Ông Vương Đỗ Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Việt Hà cho biết, năm 2016, Việt Hà đặt mục tiêu doanh thu 300 tỷ đồng, lợi nhuận 10 tỷ đồng, tăng trưởng lợi nhuận các năm tiếp theo đạt 40%/năm. Mảng sản xuất và kinh doanh bia trong giai đoạn 2016 - 2018 tiếp tục tập trung tại thị trường miền Bắc và thăm dò thị trường miền Nam, phát triển và mở rộng các ngành nghề kinh doanh chính gồm bia, rượu, nước uống tinh khiết, bánh mứt kẹo và xây lắp công trình công nghiệp. 

Như vậy, với số tiền 187 tỷ đồng mà Vegetexco phải bỏ ra để sở hữu số cổ phần trên, Vegetexco chưa thể là cổ đông lớn có quyền quyết định tại Việt Hà. Do đó, không loại trừ việc Vegetexco cũng sẽ tham gia đấu giá thông qua sàn để tăng tỷ lệ sở hữu tại Việt Hà. 

Chuyên đề