Hút mạnh dòng tiền, cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ dẫn dắt thị trường?

(BĐT) - Năm 2017 đang đánh dấu sự quay trở lại của cổ phiếu (CP) ngành ngân hàng kể từ sau khủng khoảng tài chính thế giới năm 2008. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Các thông tin tích cực như lợi nhuận quý I/2017 của ngành tăng trưởng cao, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm 2017 cao nhất trong 6 năm gần đây (4,86%) và đặc biệt, dự kiến ngày 21/6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đang tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư về triển vọng ngành ngân hàng trong thời gian tới. 

Cổ phiếu tăng giá

Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, từ đầu năm đến 16/6/2017 CP ngành ngân hàng tăng giá mạnh, với mức tăng trên 30%. Đồng thời, thanh khoản CP ngân hàng cũng rất cao cùng với xu hướng tăng giá.

Trên sàn niêm yết, CP có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là NVB (Ngân hàng TM CP Quốc dân). Khởi đầu năm 2017 với mức giá 4,8 nghìn đồng, kết thúc Phiên giao dịch ngày 16/6 CP này đóng cửa ở mức giá 9,4 nghìn đồng (tăng gần gấp đôi so với đầu năm). Tiếp theo là CP STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín đã thoát cảnh nằm dưới mệnh giá trong năm 2016. Từ đầu năm đến hết ngày 16/6/2017, giá CP STB đã tăng tới gần 70%, từ 8,2 nghìn đồng lên tới gần 14 nghìn đồng/CP. Ngoài ra, còn 2 CP ngành ngân hàng khác có mức tăng giá trên 50% là MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội và SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội. Các CP khác như ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu), CTG (Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam), BIDV (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam), và EIB (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam) đều có mức tăng ấn tượng trên 30%.

Không chỉ tăng giá mạnh, 6 tháng đầu năm 2017, CP ngân hàng cũng được ghi nhận mức thanh khoản cao và đang tạo ra không khí sôi động nhất kể từ sau khủng hoảng năm 2008. Điển hình là giao dịch thỏa thuận 53 triệu CP EIB trong phiên ngày 8/6, hay trong tháng 6 đã có hơn 42 triệu CP STB được giao dịch. Những CP có khối lượng giao dịch tăng cao so với cùng kỳ các năm trước bao gồm STB, BIDV, CTG, VCB và SHB. 

Những chất xúc tác cho cổ phiếu ngân hàng

Kỳ vọng vào Nghị quyết về xử lý nợ xấu nhiều khả năng sẽ được thông qua ngày 21/6/2017 và sự tăng trưởng mạnh mẽ của giá CP ngân hàng trong thời gian vừa qua sẽ giúp CP ngành ngân hàng sẽ trở thành nhóm dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.
Hỗ trợ giá CP ngành ngân hàng “bay cao” trong thời gian vừa qua không thể không kể đến kết quả kinh doanh tích cực của các ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2017. Chẳng hạn như lợi nhuận sau thuế của ACB tăng tới 54% so với cùng kỳ năm 2016, hay thu nhập lãi thuần của Ngân hàng MB đạt 2.406 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Các ngân hàng khác đều có mức tăng trưởng lợi nhuận 2 con số.

Chất xúc tác quan trọng tiếp theo đối với CP ngân hàng là tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm 2017 đạt mức cao nhất 6 năm gần đây với mức 4,86%, trong khi cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 3%. Tuy nhiên, yếu tố củng cố mạnh mẽ cho niềm tin nhà đầu tư có lẽ đến từ tin tức liên quan đến Nghị quyết xử lý nợ xấu sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 21/6 tới đây.

Nhiều năm qua tỷ lệ nợ xấu cao đã gây ảnh hưởng tiêu cực cho ngành ngân hàng và cho cả nền kinh tế mà nhiều chuyên gia ví von nợ xấu như một “cục máu đông” có thể gây đột quỵ hoặc đe dọa tính mạng của nền kinh tế. Trong những phiên thảo luận vừa qua, phần lớn đại biểu Quốc hội đều cho rằng, cần thiết phải ban hành một Nghị quyết riêng để xử lý nợ xấu và cần được xem xét thông qua ngay tại kỳ họp Quốc hội này. Các vấn đề cơ bản của Nghị quyết như không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, nợ xấu và tài sản đảm bảo của nợ xấu có thể được bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ, việc tổ chức tín dụng (TCTD) được thu giữ tài sản đảm bảo sẽ tuân thủ nguyên tắc không liên quan đến các tài sản đảm bảo có tranh chấp hoặc liên quan các vụ án hình sự,...

Đặc biệt, điểm nghẽn của xử lý nợ xấu là quá trình xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu sẽ được cải thiện. Theo các TCTD, có tới hơn 70% các khoản cho vay liên quan đến tài sản đảm bảo. Vì vậy, việc cho phép TCTD được thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo sẽ giúp các TCTD thu hồi các khoản nợ nhanh hơn, điều đó sẽ tác động tích cực đến khả năng thanh khoản, khả năng chi trả các khoản tiền gửi tiết kiệm đã huy động để cho vay. Ngoài ra, việc chậm xử lý tài sản đảm bảo do vướng mắc các quy định liên quan có thể làm giảm giá trị tài sản, khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng và điều đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận và nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.

Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), kỳ vọng vào Nghị quyết về xử lý nợ xấu nhiều khả năng sẽ được thông qua ngày 21/6/2017 và sự tăng trưởng mạnh mẽ của giá CP ngân hàng trong thời gian vừa qua sẽ giúp CP ngành ngân hàng sẽ trở thành nhóm dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.

Chuyên đề