Hội nhập quốc tế nhìn từ… chuẩn mực kế toán

(BĐT) - Việc phát triển và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần phải triển khai để đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế. 
Tập đoàn Bảo Việt là doanh nghiệp hiếm hoi ở Việt Nam sớm áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế - IFRS. Ảnh: Lê Tiên
Tập đoàn Bảo Việt là doanh nghiệp hiếm hoi ở Việt Nam sớm áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế - IFRS. Ảnh: Lê Tiên

Để làm được điều này, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án đưa Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) vào Việt Nam và cập nhật Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), tiến tới xây dựng và ban hành mới Chuẩn mực Báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS).

Những thuận lợi và khó khăn

Không sự chuyển đổi nào được diễn ra dễ dàng đơn giản. Việc chuyển đổi từ VAS sang một chuẩn mực mới mẻ như IFRS luôn là một thách thức đối với các thói quen, kiến thức có sẵn.

Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này cho rằng khi áp dụng IFRS, chất lượng của báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp cho người sử dụng báo cáo tài chính nhiều thông tin hữu ích cho việc ra quyết định quản lý, điều hành và đầu tư.

IFRS yêu cầu các giao dịch phải được phản ánh theo bản chất, phù hợp với cách thức vận hành hơn là tên gọi hay hình thức pháp lý của chúng. Điều này sẽ giúp cho kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được phản ánh khách quan, trung thực, doanh nghiệp không thể tùy tiện giấu lãi hoặc lỗ theo ý muốn chủ quan của mình. Những thông tin về giá trị hợp lý, giá trị hiện tại, giá trị có thể thu hồi, giá trị thuần có thể thực hiện được, yêu cầu ghi nhận kịp thời các khoản tổn thất, đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ… giúp đánh giá đúng năng lực tài chính, tạo cho doanh nghiệp có đủ nguồn lực thanh toán, ổn định và cân đối tài chính trong tương lai.

Việc áp dụng IFRS là một yếu tố để quốc tế công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường đầy đủ, từ đó khơi thông dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo vệ các nhà đầu tư và tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Vướng mắc khi áp dụng IFRS là tâm lý e ngại, muốn giấu giếm sự thật về sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp nhằm mục đích thao túng giá cổ phiếu, gọi vốn vay… Ngoài ra, nguồn nhân lực Việt Nam nói chung hiện thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm trong việc thực hành IFRS. Ngay cả các trường đại học cũng chưa được dạy cả về mặt nội dung cũng như phương pháp nghiên cứu IFRS. Thị trường tài chính Việt Nam cũng chưa đủ phát triển để có thể đánh giá một cách tin cậy, toàn diện các thông tin về giá trị hợp lý… 

Lý do chọn lựa IFRS

Các chuyên gia, điểm khác biệt lớn giữa VAS và IFRS là VAS hạch toán theo nguyên tắc giá gốc, còn IFRS theo nguyên tắc giá thị trường (giá trị hợp lý). IFRS được xây dựng để áp dụng cho các nền kinh tế phát triển, khi mà các yếu tố thị trường đã phát triển đồng bộ, có thị trường thuận lợi cho định giá các loại tài sản theo giá thị trường.
Hiện có nhiều chuẩn mực kế toán nổi tiếng được áp dụng trên thế giới như IFRS, GAAP, CPA. Tuy nhiên, IFRS là chuẩn mực được áp dụng rộng rãi nhất. Tương tự như mức độ phổ biến của tiếng Anh trên toàn cầu. Việc theo IFRS vì vậy là một lựa chọn phù hợp cho quá trình hội nhập.

Khi trao đổi với người viết, CEO của một doanh nghiệp khởi nghiệp cho biết, công ty họ có ý định niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế như là cách để “đền đáp” công ơn của những nhà đầu tư rót vốn từ giai đoạn sơ khai. Để làm điều đó, một doanh nghiệp mới sẽ có lợi thế rõ rệt vì hệ thống sổ sách kế toán của công ty hết sức “sạch sẽ”, chuẩn mực kế toán nào cũng là mới mẻ, dù là VAS hay IFRS!

Tại Việt Nam, IFRS đang được khuyến khích và các doanh nghiệp có thể tự nguyện áp dụng.

Tập đoàn Bảo Việt là một trong các đơn vị hiếm hoi đã sớm áp dụng IFRS từ năm 2009. Năm 2015, báo cáo theo IFRS của doanh nghiệp này cho thấy lợi nhuận sau thuế của Bảo Việt đạt 1.071 tỷ đồng, thấp hơn 104 tỷ đồng so với báo cáo theo VAS. Không phải ai cũng đủ “dũng cảm” như Bảo Việt. Ngoài Bộ Tài chính, Bảo Việt còn có cổ đông lớn là Sumitomo Life (trước đó là HSBC), việc áp dụng IFRS ngoài mục đích tự thân của Bảo Việt, còn là yêu cầu của nhà đầu tư nói chung, cổ đông lớn nước ngoài nói riêng.

Theo lộ trình, đến năm 2023 - 2025, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu tuân thủ hoàn toàn theo IFRS. Việc chuyển đổi sớm vì vậy sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.

Chuyên đề