Hoạt động tự doanh, “vật cản” tăng trưởng lợi nhuận quý II/2018 của CTCK

(BĐT) - Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, kết quả kinh doanh quý II/2018 của nhiều công ty chứng khoán ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu từ nghiệp vụ môi giới và bảo lãnh. Tuy nhiên, hoạt động tự doanh lại đi xuống.
Quý II/2018, hoạt động tự doanh của các CTCK lại đi xuống. Ảnh: Tường Lâm
Quý II/2018, hoạt động tự doanh của các CTCK lại đi xuống. Ảnh: Tường Lâm

Mức giảm 18,19% của chỉ số VN-Index trong riêng quý II/2018 gần như phản ánh rõ rệt trên báo cáo tài chính các CTCK thông qua khoản chênh lệch giá trị đánh giá các tài sản tài chính, đi cùng là những khoản dự phòng ghi nhận tăng mạnh.

Cùng với hoạt động môi giới và cho vay ký quỹ (margin), một yếu tố quan trọng cơ cấu lợi nhuận của các công ty chứng khoán (CTCK) là tự doanh. Nếu như trong năm 2017, hầu hết các CTCK đều báo lãi lớn từ hoạt động tự doanh thì đến quý II/2018, hoạt động này lại đang là vật cản sự tăng trưởng lợi nhuận.

Theo báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài gòn (SSI), doanh thu hoạt động quý II/2018 đạt 895 tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ 2017. Trong khi, doanh thu từ các mảng chủ chốt đều tăng trưởng mạnh, như môi giới (tăng 83%), lãi từ các khoản cho vay (tăng 61%) thì doanh thu từ hoạt động tự doanh lại đi xuống. Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) của SSI trong quý II/2018 chỉ là 114 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lỗ từ khoản này cũng lên tới 212,8 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ 2017. Như vậy, chênh lệch giữa lãi/lỗ ghi nhận thông qua tài sản tài chính FVTPL của SSI quý II/2018 lên tới âm 98,8 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ 2017, con số chênh lệch này là dương 132,4 tỷ đồng.

Một công ty chứng khoán lớn khác là Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), khoản lỗ các tài sản tài chính FVTPL lên tới 295,5 tỷ đồng chiếm hơn một nửa tổng chi phí hoạt động 463,9 tỷ đồng trong quý II/2018. Mặc dù lãi từ khoản mục này đạt 319,8 tỷ đồng (gấp 4,4 lần so với cùng kỳ 2017), nhưng tính chênh lệch ra chỉ còn dương 24,3 tỷ đồng, giảm 66,5% so với cùng kỳ 2017. Đây cũng là một trong lý do làm cho tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của HSC trong quý II/2018 chỉ tăng 5,7% từ 173,8 tỷ đồng lên 183,9 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng môi giới của HSC cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng khi chênh lệch giữa doanh thu và chi phí từ hoạt động môi giới chứng khoán đạt 151,2 tỷ đồng tăng trưởng so với 51,2 tỷ đồng. Còn lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 136 tỷ đồng tăng 36%.

Vào thời điểm cuối năm 2017, danh mục tài sản tài chính FVTPL của HSC có giá trị ghi sổ 890 tỷ đồng với gần 70% là từ cổ phiếu niêm yết và giao dịch trên UPCoM. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối quý II, danh mục này chỉ còn giá trị gốc 260 tỷ đồng, trong đó giá trị gốc của cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu giao dịch trên UPCoM chỉ còn 43,2 tỷ đồng. Như vậy, HSC đã hạ tỷ trọng danh mục tự doanh khá mạnh trong nửa đầu năm 2018.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với các công ty chứng khoán khác như VCSC, VNDirect, SHS, ACBS,… Trong khi chênh lệch lãi lỗ từ ghi nhận thông qua tài sản tài chính FVTPL đều dương trong quý II/2017 thì con số này đã âm trong quý II/2018.

Chuyên đề