Hoạt động tín dụng của các ngân hàng đang phân hóa

Kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường bất động sản duy trì diễn biến tích cực... là những điều kiện không thể tốt hơn để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có hoạt động tín dụng tăng trưởng như mong muốn.
Hoạt động tín dụng của các ngân hàng đang phân hóa

Báo cáo tài chính quý I/2018 của nhiều ngân hàng cho thấy, bức tranh tăng trưởng tín dụng trong quý đầu năm có sự phân hóa khá rõ nét. Tại Vietcombank, tính đến 31/3/2018, cho vay khách hàng của Ngân hàng ở mức 568.031 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm, trong khi tiền gửi của khách hàng có tốc độ tăng chậm hơn, đạt 3%, ở mức 730.986 tỷ đồng.

Tổng tài sản đạt 1.003 triệu tỷ đồng, giảm 3,1% so với cuối năm 2017. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và cho vay tại các tổ chức tín dụng khác cùng giảm mạnh. Nợ xấu ở mức 1,36%, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng từ 1.940 tỷ đồng lên 2.211 tỷ đồng.

Tại ACB, kết thúc quý I/2018, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 6,6%, còn huy động tiền gửi tăng 7% so với đầu năm. Với OCB, tăng trưởng tín dụng trong kỳ đạt 8,8%, nâng dư nợ cho vay khách hàng lên 51.974 tỷ đồng. Tuy nhiên, huy động tiền gửi của khách hàng giảm 0,3%, xuống mức 53.047 tỷ đồng.

Tính đến 31/3/2018, tổng vốn huy động của HDBank đạt 161.156 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ 2017; tổng dư nợ đạt 110.990 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2017 và tăng 10,9% so với cuối năm 2017. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 105.977 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ 2017 và tăng 11,5% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,37% trên tổng dư nợ.

Trong khi đó, kết thúc 3 tháng đầu năm 2018, hoạt động tín dụng của Techcombank tăng trưởng khiêm tốn là 1,9%, nhưng vẫn mang về khoản lãi thuần 2.546 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, các mảng hoạt động khác lại bật tăng mạnh.

Chẳng hạn, mảng mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận khoản lợi nhuận thuần tăng 4,7 lần so với cùng kỳ 2017, lên 441 tỷ đồng; thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần tăng gấp 2,5 lần, đạt 894 tỷ đồng, chiếm lần lượt 9,5% và 19,2% tổng lợi nhuận.

Kết thúc quý đầu năm, VPBank có dư nợ cho vay khách hàng đạt 185.629 tỷ đồng, huy động tiền gửi khách hàng đạt 143.121 tỷ đồng, tăng tương ứng 3,5% và 7,2% so với cuối năm 2017.

Eximbank cũng nằm trong nhóm có mức tăng trưởng tín dụng không cao trong quý I/2018. Cụ thể, tiền gửi của khách hàng giảm 4% so với cuối năm 2017, xuống 112.830 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng cũng giảm 0,8%, xuống 99.499 tỷ đồng. Theo đó, tổng tài sản tính đến cuối quý I giảm 3,8%, đạt 143.630 tỷ đồng.

Hoạt động tín dụng của các ngân hàng đang phân hóa ảnh 1
Đáng chú ý, hoạt động tín dụng tại một số ngân hàng còn ghi nhận mức tăng trưởng âm. Đơn cử, tại ABBank, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối quý I/2018 là âm 4,7% so với cuối năm 2017, dư nợ dừng ở mức 45.656 tỷ đồng. 

Kế hoạch kinh doanh vẫn phụ thuộc vào room tín dụng

Thông tin từ NHNN, đến hết tháng 4/2018, tín dụng tăng trên 5%, tương đương với mức cùng kỳ năm 2017, là mức khá cao nếu so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 17% (có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế). Đó cũng là lý do để các ngân hàng kỳ vọng được nới room tín dụng, từ đó điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2018.

Đơn cử, tại VietBank, ở kịch bản thứ nhất dựa trên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 mà NHNN giao là 11%, VietBank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 48.000 tỷ đồng trong năm nay, tăng trưởng 16%. Dư nợ cho vay dự kiến đạt 31.900 tỷ đồng, huy động từ khách hàng là 39.900 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 11% và 27%. Lợi nhuận trước thuế tối thiểu là 97 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 263 tỷ đồng của năm 2017.

Ở kịch bản thứ hai, với điều kiện room tín dụng được nâng lên 32%, VietBank đặt mục tiêu đạt tổng tài sản tăng trưởng 30% (đạt 54.000 tỷ đồng), huy động vốn tăng trưởng 51%, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 14% (đạt 300 tỷ đồng).

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế đưa ra cho năm 2018 của VIB là 2.005 tỷ đồng, tăng 43% so với kết quả năm 2017. Trong khi đó, kế hoạch tổng dư nợ tín dụng được chia thành 2 phương án: Phương án 1 (đã được NHNN phê duyệt), tổng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 95.960 tỷ đồng, tăng trưởng 14%, trong đó dư nợ cho vay đạt 91.045 tỷ đồng; phương án 2, tổng dư nợ tín dụng đạt 105.220 tỷ đồng, tăng trưởng 25%, trong đó dư nợ cho vay đạt 99.830 tỷ đồng, với điều kiện là có các phê duyệt bổ sung từ NHNN.

Theo các chuyên gia tài chính, hiện nay, các ngân hàng nhỏ, có tiềm năng tăng trưởng tốt đang bị hạn chế tăng trưởng tín dụng, nên cần tạo điều kiện nhiều hơn để nhóm này phát triển, trong khi những ngân hàng đã có quy mô lớn, không nhất thiết phải tăng trưởng tín dụng cao bằng mọi giá.

TS. Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, với những kết quả tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô thời gian qua, NHNN nên có lộ trình điều chỉnh công cụ điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng, trong đó có việc xem xét bỏ quy định trần lãi suất và hạn mức tín dụng. 

Chuyên đề