Hiện đại hóa để tăng chất lượng, hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội

(BĐT) - Với gần 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), hơn 15 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo tinh thần cải cách chính sách BHXH, thì việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện đại hóa BHXH để nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và hưởng BHXH, BHYT yêu cầu cấp thiết.
Hiện đại hóa để tăng chất lượng, hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội

Làm thủ công, chỉ giải quyết được 20% hồ sơ đề nghị thanh toán

Báo cáo của BHXH Việt Nam được công bố tại Hội nghị cung cấp thông tin kết quả thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN năm 2019 vừa diễn ra cho thấy, trước năm 2015, việc ứng dụng CNTT của ngành BHXH chưa được đẩy mạnh, hệ thống máy chủ, phần mềm, cơ sở dữ liệu phân tán tại BHXH các quận, huyện, chưa có hệ thống mạng WAN kết nối hệ thống CNTT giữa các đơn vị. Toàn bộ giao dịch với người dân và doanh nghiệp đều thực hiện theo hồ sơ giấy tờ qua bộ phận một cửa hoặc đến gặp trực tiếp cán bộ tại các phòng nghiệp vụ. Điều này, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý người tham gia, đặc biệt khi thay đổi đơn vị, thay đổi nơi cư trú. Việc giám định hồ sơ thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT thực hiện thủ công trên hồ sơ giấy với tỷ lệ khoảng 20% tổng số hồ sơ đề nghị thanh toán. Tình trạng lạm dụng chi trả BHXH diễn ra thường xuyên. Từ đó dẫn đến việc báo cáo quyết toán, thanh tra hàng năm đều thực hiện thủ công.

Trước những tồn tại, bất cập của thực tế đó và những yêu cầu đặt ra của Quốc hội và Chính phủ, đòi hỏi việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT - trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội cần phải thay đổi. Mục tiêu hiện đại hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách BHXH đã trở thành quyết tâm chính trị của toàn ngành BHXH Việt Nam với mong muốn đổi mới, phát triển toàn diện, công khai minh bạch và đem lại sự hài lòng của người dân.

Với yêu cầu và mục tiêu đề ra, trong năm 2019, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu. Hiện nay, Hệ thống giao dịch điện tử BHXH đang thực hiện cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trong tổng số 27 dịch vụ công của Ngành.

Trong đó có giám định điện tử chi phí KCB BHYT thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT. Theo đó, Hệ thống Thông tin giám định BHYT đã kết nối tới hơn 12.000 cơ sở KCB BHYT (gần 100%)  từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc. Nhìn chung, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã mang lại hiệu quả lớn trong quản lý KCB, kiểm soát việc sử dụng quỹ BHYT và tạo lập cơ sở dữ liệu quan trọng để đánh giá, điều chỉnh chính sách.

Khi có Hệ thống giám định điện tử, có thể kiểm tra tự động 100% các hồ sơ yêu cầu thanh toán theo các quy tắc giám định. Bên cạnh đó, còn theo dõi, phát hiện được tình trạng lạm dụng thẻ BHYT, chỉ định quá mức cần thiết. Ứng dụng phần mềm cũng giúp bác sĩ kiểm tra quá trình KCB của bệnh nhân; chia sẻ thông tin, theo dõi diễn biến bệnh tật, kết quả xét nghiệm, các thuốc được chỉ định điều trị... Đặc biệt, Hệ thống giúp BHXH Việt Nam theo dõi kịp thời tình hình chi KCB, sử dụng nguồn kinh phí được giao, những phát sinh chưa hợp lý để kịp thời điều chỉnh).

Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT cũng được triển khai mạnh mẽ trong các hoạt động nghiệp vụ khác như: giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giám định điện tử chi phí khám, chữa bệnh BHYT thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; ứng dụng các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán, quản lý văn bản; cập nhật dữ liệu kết quả đấu thầu vật tư y tế lên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam... Hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị CNTT được trang bị đầy đủ và vận hành hiệu quả.

Cũng trong năm 2019, BHXH Việt Nam đã tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) của Ngành, ban hành các Quyết định công bố thay thế, bãi bỏ các TTHC thuộc lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ BHXH và chi trả các chế độ BHXH, BHTN. Kết quả bước đầu cho thấy, tổng số TTHC của Ngành tiếp tục được cắt giảm từ 28 xuống còn 27 thủ tục.

Đẩy mạnh giao dịch điện tử dịch vụ công

Chia sẻ về định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, cơ quan này vừa trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Đẩy mạnh cải cách TTHC, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về BHXH, bảo đảm tính kết nối, chia sẻ dữ liệu với các CSDLQG có liên quan”.

Không chỉ dừng lại ở những kết quả nêu trên, BHXH Việt Nam cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ của Ngành phù hợp với các quy định, quy trình nghiệp vụ mới ban hành. Triển khai mạnh mẽ Hệ thống thu nộp, chi trả điện tử BHXH, Hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH. Ngành sẽ đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; số hóa văn bản, tài liệu trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; kịp thời cập nhật, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số theo các quy định mới tại Thông tư số 01/2019/TT-BNV ngày 24/1/2019 của Bộ Nội vụ.

Để đảm bảo quyền lợi KCB BHYT, theo ông Đào Việt Anh, BHXH Việt Nam tiếp tục hoàn thiện Hệ thống thông tin giám định điện tử BHYT, giám sát chi phí KCB BHYT, phát hiện kịp thời các gia tăng bất thường chi phí KCB BHYT trên toàn quốc. Từ những CSDL trên Hệ thống, BHXH Việt Nam sẽ phân tích tình hình chi KCB để các cơ sở y tế chủ động kiểm soát, điều chỉnh chi hợp lý; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng quỹ KCB BHYT. Mặt khác, BHXH Việt Nam sẽ bổ sung thêm các chức năng, tối đa hóa các tiện ích phục vụ việc khai thác, quản lý chi KCB BHYT và giám định BHYT; phân tích dữ liệu, thường xuyên cảnh báo đối với các tỉnh có chi phí KCB BHYT bất thường trên Hệ thống.

Chuyên đề