Hào phóng mua lại PTFinance, SeABank kỳ vọng gì?

(BĐT) - 710 tỷ đồng là số tiền mà Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã bỏ ra để sở hữu 100% vốn của Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTFinance) từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Mức giá này cao hơn 210 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm là 500 tỷ đồng và cao hơn rất nhiều so với tổng tài sản của PTFinance. 

Thương vụ kỳ lạ

Trước khi về tay SeABank, PTFinance đã được rao bán từ ngày 19/4/2017. Trải qua một thời gian dài VNPT mới có thể bán được “đứa con” ngoài ngành, một phần do tình hình kinh doanh của PTFinance không mấy khả quan.

Theo bản Công bố thông tin, tổng tài sản PTFinance tại thời điểm 30/6/2017 là 348 tỷ đồng, thấp hơn cả vốn điều lệ. Trong đó, nợ phải trả là 347 tỷ đồng, nợ phải thu là 63,3 tỷ đồng. Như vậy, SeABank sẽ phải gánh thêm các khoản công nợ này. Mặc dù là doanh nghiệp nhà nước và phải công bố thông tin theo hướng dẫn của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, tuy nhiên, việc công bố thông tin của PTFinance lại rất sơ sài. Do đó, danh mục tài sản, công nợ, dòng tiền… của PTFinance vẫn trong vòng “bí mật”.

Vậy tại sao SeABank lại bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy để thâu tóm một công ty tài chính đang trong tình cảnh khó khăn? 

Nhắm tới “miếng bánh” cho vay tiêu dùng

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng tiêu dùng năm 2017 tăng trưởng khoảng 65% so với năm 2016 và chiếm 18% trong tổng tín dụng. Vì vậy, PTFinance cũng có thể trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của SeABank.
Khả năng sinh lời của các công ty tài chính có lẽ là nguyên nhân chính khiến SeABank mạnh tay thâu tóm PTFinance. Nhìn vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng sở hữu công ty tài chính có thể thấy rõ điều này.

Theo tính toán của Báo Đấu thầu, trong số tổng lợi nhuận trước thuế 8.130 tỷ đồng năm 2017 của VPBank, FE Credit (công ty tài chính do VPBank sở hữu 100% vốn) đóng góp khoảng 4.189 tỷ đồng, chiếm 51%. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của VPBank đạt tới 8,9%, cao hơn hẳn so với trung bình của 13 ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán là khoảng 4,3%. FE Credit có NIM lên đến khoảng 31%. Hiện tại FE Credit đang chiếm khoảng 50% thị phần tín dụng tiêu dùng.

Một ngân hàng khác cũng đang tạo ra sự bứt phá nhờ sự tăng trưởng của hoạt động tín dụng của công ty tài chính là HDBank. Ngân hàng này đang sở hữu HD Saison - một trong 3 công ty dẫn đầu thị trường cho vay tiêu dùng, bên cạnh FE Credit và Home Credit. Cho vay của HD Saison tại thời điểm cuối năm 2017 khoảng 9.448 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2016. Theo tính toán của Báo Đấu thầu, HD Saison đóng góp 22% tổng lợi nhuận trước thuế năm 2017 của HDBank, tương đương 527 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay chiếm 9%. NIM 2017 của HD Saison đạt khoảng 27,38% và của ngân hàng mẹ HDBank khoảng 2,66%.

Ngoài VPBank, HDBank, trong 3 năm qua, nhiều ngân hàng đã nhanh tay thâu tóm các công ty tài chính để tấn công vào lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. Đơn cử như SHB mua lại Công ty Tài chính CP Vinaconex Viettel (VVF). Techcombank mua lại Công ty Tài chính CP Hóa chất, chuyển thành Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ thương. Trong khi đó, Maritime Bank cũng đã mua lại Công ty Tài chính CP Dệt may, còn  MBBank nhận sáp nhập Công ty Tài chính CP Sông Đà (SDFC), thành lập Công ty Tài chính TNHH MTV MB.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng tiêu dùng năm 2017 tăng trưởng khoảng 65% so với năm 2016 và chiếm 18% trong tổng tín dụng. Vì vậy, PTFinance cũng có thể trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của SeABank, như cách mà ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank ví von về FE Credit.

Chuyên đề