Hàng không, miếng bánh dễ xơi?

(BĐT) - Mới đây Tập đoàn FLC bất ngờ công bố quyết định chi 700 tỷ đồng lập Viet Bamboo Airlines. Ngành hàng không Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, nhưng liệu đây có phải là miếng bánh dễ xơi cho các nhà đầu tư?
Điều kiện hạ tầng hiện nay chưa đáp ứng cho thêm hãng hàng không mới hoạt động. Ảnh: Minh Tuấn
Điều kiện hạ tầng hiện nay chưa đáp ứng cho thêm hãng hàng không mới hoạt động. Ảnh: Minh Tuấn

Tiềm năng lớn

Theo Hiệp hội Vận chuyển hàng không quốc tế (IATA), lợi nhuận ngành hàng không đã được cải thiện đáng kể do lượng khách tăng vọt và giá dầu giảm. Trong năm 2016, toàn bộ các hãng hàng không dân dụng của thế giới thu được lợi nhuận ròng ước đạt 35,6 tỷ USD, mức lợi nhuận kỷ lục trong 7 năm gần đây; số hành khách sử dụng các dịch vụ hàng không ước đạt 3,8 tỷ lượt. IATA cũng đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm 5 thị trường có lượng khách di chuyển bằng đường hàng không cao nhất thế giới (sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Indonesia).

Thị trường hàng không Việt Nam năm 2016 đã thực hiện được hơn 228.000 chuyến bay, tăng khoảng 37.000 chuyến, vượt 19% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đa phần là các chuyến bay nội địa. Không gặp sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài, các hãng hàng không trong nước đã khai thác khá tốt thị trường nội địa. So với năm 2015, năm 2016 ngành hàng không đã vận chuyển 40,5 triệu lượt khách (tăng 20,4%) và 274 nghìn tấn hàng hóa (tăng 21,6%). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước tính 10,01 triệu lượt, tăng 26% so với năm 2015; trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 8,26 triệu lượt, tăng 31,7%.

Dự kiến Việt Nam sẽ có 26 sân bay vào năm 2020 và hiện đang phát triển mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, cùng với đó là xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm 2020. Với dân số hơn 90 triệu người, cộng với thu nhập bước vào ngưỡng trung bình, tiềm năng thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá khá cao.

Tiềm năng phát triển là như vậy, nhưng hiện nay trên thị trường hàng không Việt Nam mới chỉ có 4 hãng khai thác thương mại là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Vietjet Air, SkyViet (tiền thân VASCO). 

Không dễ ăn

Mặc dù thị trường hàng không Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để đầu tư và ít sự cạnh tranh, nhưng để sống sót trong ngành thì lại thực sự không dễ dàng. Thực tế cho thấy, có rất nhiều hãng hàng không đã phải đóng cửa sau một thời gian kinh doanh như trường hợp của Indochina Airlines, Trai Thien Air Cargo và Mekong Air.

Indochina Airlines là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Mặc dù được thành lập vào năm 2008, thời điểm chỉ chịu sự cạnh tranh từ Vietnam Airlines nhưng Indochina Airlines lại thua lỗ và phải đóng cửa chỉ sau 1 năm hoạt động

Trường hợp ngừng hoạt động của Mekong Air lại là một câu chuyện khác. Hãng này được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (KDVCHK) ngày 30/10/2008 và đến 10/2010 hãng này tổ chức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên. Tuy nhiên, Hãng đã không đáp ứng được các điều kiện cần thiết để duy trì KDVCHK và bị hủy bỏ giấy phép hoạt động. Một hãng hàng không khác phải ngừng hoạt động là Trai Thien Air Cargo. Đây là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam chuyên về vận tải hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện và được thành lập vào tháng 6/2008 với số vốn đăng ký là 500 tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia về hàng không cho biết, việc thua lỗ, thậm chí đóng cửa của nhiều hãng hàng không trước đây có nhiều nguyên nhân. Trước hết là do việc chọn chiến lược, chọn tàu bay sai dẫn đến không nhắm đúng khách hàng mục tiêu. Nguyên nhân thứ hai là tiềm lực tài chính yếu nên không có đủ nhân lực, tàu bay cũng như các chi phí gia nhập thị trường.

Bình luận về việc một số hãng hàng không đang rục rịch thành lập, vị chuyên gia này cho biết, phải tốn rất nhiều thời gian, thậm chí hàng năm mới có thể cất cánh. Hàng không là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện do Thủ tướng cấp phép, do đó phải có ý kiến của rất nhiều bộ, ngành. Đó là chưa kể đến việc điều kiện hạ tầng hiện nay chưa đáp ứng cho thêm hãng hàng không mới hoạt động. Hãng hàng không Vietstar đã nhiều lần xin cấp giấy phép KDVCHK, nhưng đến tháng 4/2017, Chính phủ có văn bản nêu rõ, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép KDVCHK cho doanh nghiệp này sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành việc xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng phê duyệt.

Rõ ràng, tiềm năng thị trường hàng không rất lớn nhưng không dễ để một hãng hàng không mới sớm đi vào vận hành và sinh lời.

Chuyên đề