Hai điểm yếu của UPCoM

835 mã chứng khoán với quy mô vốn hóa cuối tháng 5/2019 là 907 nghìn tỷ đồng, UPCoM đang trở thành một nơi giao dịch chứng khoán tập trung lớn nhất hiện nay. Thế nhưng, con số thanh khoản trung bình chỉ chưa tới 330 tỷ đồng/phiên lại khiến thị trường chưa thực sự hài lòng. Vậy đâu là lý do dẫn đến điểm trừ về thanh khoản tại sàn này?
Hai điểm yếu của UPCoM

Ðại chúng - nhưng chưa thực sự đại chúng

Ðăng ký giao dịch trên UPCoM có quy định khá thông thoáng về điều kiện hồ sơ; trong đó điều kiện duy nhất doanh nghiệp phải đáp ứng là trở thành công ty đại chúng. Có lẽ, với quy định này, nhiều doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp sau cổ phần hóa thường lựa chọn UPCoM như một bến đáp để thực hiện yêu cầu giao dịch tập trung (UPCoM hoặc niêm yết). Với xu thế này, UPCoM có nhiều doanh nghiệp thực sự tốt, với hiệu quả kinh doanh ấn tượng như: Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC); CTCP Ðầu tư Xây dựng dân dụng Hà Nội (XDH), CTCP Xây dựng Công nghiệp (ICC)…

Dữ liệu cơ bản các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM cho thấy, những doanh nghiệp thực sự tốt về hiệu quả kinh doanh không hề thiếu. Ðây đa số là những doanh nghiệp có nguồn gốc từ các doanh nghiệp cổ phần hóa và phải lên đăng ký giao dịch tập trung theo diện bắt buộc (do không niêm yết). Nhóm doanh nghiệp này cũng chính là lý do khiến UPCoM có quy mô vốn hóa lớn, nhưng thanh khoản không tăng lên tương ứng.

Trong nhóm 10 cổ phiếu có EPS lớn nhất trên UPCoM, chỉ có NTC và SDI của CTCP Ðầu tư và Phát triển Ðô thị Sài Ðồng và NTC là có thanh khoản lớn hơn. Thế nhưng, nếu so với quy mô vốn gần 1.200 tỷ đồng, thì khối lượng giao dịch trung bình phiên gần 47.000 cổ phiếu của SDI lại quá bé. SDI có cổ đông lớn là Vingroup, sở hữu xấp xỉ 94% vốn điều lệ.

ICC có 1 cổ đông lớn là Tổng công ty Ðầu tư Phát triển Hạ tầng Ðô thị năm 79,13% vốn điều lệ; MQN vốn điều lệ nhỏ, nhưng sở hữu cổ đông nhà nước và một vài cổ đông lớn đã lên mức trên 90% vốn điều lệ.

Nhóm các doanh nghiệp quy mô vốn điều lệ lớn nhất trên UPCoM đều có tỷ lệ rất lớn sở hữu cổ đông nhà nước như: Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - VGR (gần 40.000 tỷ đồng, cổ đông nhà nước 96,77%); CTCP Lọc Hóa Dầu Bình Sơn - BSR (cổ đông nhà nước nắm 92,12%); Tổng CTCP Ðầu tư Quốc tế Viettel - VGI (vốn hơn 30.438 tỷ đồng, cổ đông nhà nước nắm 98,68%...

Bên cạnh nhóm công ty đại chúng nhưng mức đại chúng hóa trong cơ cấu sở hữu gần như không có, hoặc rất thấp…, còn có tình trạng cổ đông chủ yếu là cán bộ - công nhân viên Công ty, không có nhu cầu giao dịch cổ phiếu vì giá quá thấp, trong khi mức chia cổ tức lại rất lớn (như MEINFA - mã MEF, giá 1.600 đồng/cổ phiếu, chia cổ tức các năm từ 3.500-4000 đồng/cổ phiếu).

Lên sàn chỉ để thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng sau cổ phần hóa; không có nhu cầu tăng vốn sau khi đại chúng… khiến UPCoM chỉ đóng vai trò nghĩa vụ pháp lý của các trường hợp này. Vòng luẩn quẩn là, khi lợi nhuận cao, chia cổ tức lớn, nhưng không có giao dịch dẫn đến giá giảm; chính cổ đông khi đó muốn bán cũng không thể bán được, vì giá quá thấp. Thanh khoản vì thế trở nên èo uột.

Thiếu công cụ cho nhà đầu tư

Dữ liệu của TVSI cho thấy, trong số 835 mã đăng ký giao dịch, có 27 mã có khối lượng giao dịch trung bình phiên từ 100.000 cổ phiếu trở lên (tính cho 1 tháng gần nhất), với dẫn đầu thanh khoản là BSR của Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn, với giá trị giao dịch trung bình là 1,291 triệu cổ phiếu/phiên.

Cũng giống nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa khác, BSR có cơ cấu cổ đông khá cô đặc, khi PVN nắm 92,12% trên tổng số hơn 31 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, tính trên phần vốn tự do lưu chuyển (là hơn 244 triệu cổ phần), thì con số 1,291 triệu cổ phần giao dịch trung bình phiên của BSR vẫn còn là quá thấp.

Ngoài lý do tính đại chúng trong sở hữu chưa lớn thì việc thiếu các công cụ đầu tư trên UPCoM khiến thanh khoản trên UPCoM cũng khó được cải thiện.

Chưa ai chứng minh được margin đến trước, thanh khoản đến sau, hay thanh khoản có trước, margin được cấp theo sau, nhưng có một điểm đáng lưu ý là, mỗi giai đoạn cổ phiếu các công ty đại chúng niêm yết tăng giá trị giao dịch đột biến, thì từ trước đó, hạn mức margin đã được các nhà đầu tư “vay mượn” tại các công ty chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc chỉ cho phép cấp margin với các mã chứng khoán đã niêm yết từ 6 tháng trở lên (điều kiện cần), khiến các cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM bị “ngoài vùng dịch vụ”.

Ngoài vấn đề margin, nhiều nhà đầu tư phản ánh, hiện nay, tất cả các công cụ chứng khoán khác đều hướng đến nhóm cổ phiếu trong VN30: quỹ đầu tư chỉ số, chứng khoán phái sinh, chứng quyền…. Các cổ phiếu ngoài vùng này trở nên khó khăn hơn về mặt thanh khoản, nếu không có những “người tạo lập cuộc chơi”.

Thanh khoản cổ phiếu chỉ có thể tăng nếu có các nhà đầu cơ. Và họ là những người ưa thích thông tin, muốn sử dụng margin cho các mục tiêu giao dịch ngắn hạn. Ðiều đáng buồn là, khi thanh khoản hạn chế, định giá cổ phiếu sẽ bị chiết khấu cao hơn, khiến định giá UPCoM bị thấp hơn những cổ phiếu khác. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân kém ưa thích, các nhà đầu tư dài hạn cũng trở nên thận trọng hơn trong giao dịch. Ðây là vòng tròn luẩn quẩn kìm chế thanh khoản trên UPCoM.

Chuyên đề