Hà Nội: Nợ đọng ngân sách còn lớn

Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, vẫn còn một số khoản thu đạt thấp so với dự toán, nợ đọng ngân sách còn lớn.
Sáng 3/7/2017, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Khai mạc Kỳ họp thứ tư, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: TTXVN
Sáng 3/7/2017, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Khai mạc Kỳ họp thứ tư, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: TTXVN

Sáng ngày 3/7, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 4, HĐND Tp. Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, kết quả thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm của thành phố đạt khá so với mức bình quân chung của cả nước.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm là 102.490 tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán, tăng 18% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm ngân sách đã chủ động, đảm bảo, đáp ứng kịp thời các khoản chi cho các cấp, ngành thực hiện nhiệm vụ phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh theo đúng dự toán được giao.

Cụ thể, tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm ước thực hiện 26.883 tỷ đồng, đạt 34,4% dự toán năm và bằng 116,6% so với cùng kỳ; trong đó chi ngân sách cấp thành phố ước đạt 29,8% dự toán, chi ngân sách quận, huyện, thị xã ước đạt 40% dự toán.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, vẫn còn một số khoản thu đạt thấp so với dự toán, nợ đọng ngân sách còn lớn. Đến hết tháng 4/2017, tổng số nợ thuế, phí, nghĩa vụ tài chính về đất (trên dưới 90 ngày) là 18.034 tỷ đồng, giảm 3% so với thời điểm 31/12/2016.

Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản gặp khó khăn về tài chính trong việc thanh toán các khoản nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, nhất là đối với khoản tiền phạt chậm nộp.

Do vậy, cũng tại kỳ họp, nhiều đại biểu HĐND thành phố cùng chung quan điểm với lãnh đạo UBND Tp. Hà Nội cho rằng, để hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2017, trong sáu tháng cuối năm thành phố Hà Nội cần triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách tài chính trên địa bàn.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu dự lễ khai mạc. Ảnh: TTXVN

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đặc biệt là thủ tục hành chính về thuế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc; tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Theo UBND Tp. Hà Nội, để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng cả năm từ 8,5 đến 9,0%, 6 tháng cuối năm kinh tế Hà Nội phải đạt chỉ tiêu tăng trưởng trên 9,5%. Đây là nhiệm vụ khó khăn. Vì vậy, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Trong đó, ưu tiên hàng đầu vẫn là tiếp tục thực hiện tốt “Năm kỷ cương nành chính 2017”, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính; rà soát, chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; cắt giảm triệt để những chi phí không hợp lý cho chính quyền và người dân.

Đặc biệt là chính quyền thành phố cần thực hiện ngay các giải pháp cải thiện xếp hạng chỉ số PAPI, tập trung vào 3 chỉ số yếu kém là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; tính công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình của chính quyền với người dân.

Hà Nội cũng tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số PCI, tập trung vào 5 chỉ số gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, môi trường cạnh tranh bình đẳng và tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, thành phố.

Chuyên đề