Hạ mặt bằng lãi suất: Nhiệm vụ khó khả thi

Do những nguyên nhân mang tính hệ thống, như nợ xấu tăng cao trong khi hiệu quả hoạt động thấp, các ngân hàng khó thu hút thêm vốn từ các cổ đông mà phải tăng cường huy động vốn từ xã hội với chi phí cao hơn. Chi phí vốn tăng đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ phải được điều chỉnh tăng theo tương ứng.
Ngân hàng Nhà nước được đánh giá cao trong việc duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ. Ảnh: THÀNH HOA
Ngân hàng Nhà nước được đánh giá cao trong việc duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ. Ảnh: THÀNH HOA

Chi phí huy động vốn tăng

Từ đầu năm 2019 đến nay mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng được xem là khá ổn định. Mặc dù có thời điểm nhiều ngân hàng tăng lãi suất, nhưng cũng có thời điểm chính các ngân hàng này hạ lãi suất để phù hợp với nhu cầu kinh doanh.

Xu hướng này đã kéo dài trong khoảng 2-3 năm trở lại đây. Chính vì vậy mà nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá rất cao vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ giữa lúc thị trường tài chính toàn cầu đã và đang có nhiều biến động, đặc biệt trong giai đoạn 2015-2018, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và hàng loạt ngân hàng trung ương (NHTƯ) trên thế giới liên tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Trong bối cảnh hiện nay, khi xu hướng đảo chiều lãi suất đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, xuất hiện kỳ vọng mặt bằng lãi suất tại Việt Nam cũng sẽ giảm xuống, để giảm chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp. Nhưng xem ra hy vọng này khó trở thành hiện thực. Vì, mặc dù lãi suất huy động gần như không thay đổi, nhưng chi phí huy động vốn của các ngân hàng đã tăng lên đáng kể trong quí 2-2019. Theo đó, chi phí huy động vốn của Vietcombank tăng 7% so với quí 1-2019. Tương tự là trường hợp của BIDV, chi phí huy động vốn tăng 7,5% trong quí 2-2019, trong khi con số của VPBank là 7,7%.

Nguyên nhân vì sao?

Mặc dù lãi suất huy động gần như không thay đổi, nhưng chi phí huy động vốn của các ngân hàng đã tăng lên đáng kể trong quí 2-2019.
Có hai nguyên nhân chính khiến cho chi phí huy động vốn của các ngân hàng tăng lên trong quí 2-2019. Thứ nhất, đó là cơ cấu tiền gửi của các khách hàng đã có sự dịch chuyển từ các kỳ hạn ngắn (dưới sáu tháng) sang các kỳ hạn dài hơn (trên sáu tháng). Lãi suất huy động các kỳ hạn dưới sáu tháng hiện đang bị giới hạn ở mức tối đa 5,5%/năm. Một số ngân hàng có xu hướng đẩy lãi suất các kỳ hạn trên sáu tháng tăng cao để thu hút tiền gửi của khách hàng. Đây là cách mà các ngân hàng nhỏ, thanh khoản kém, sử dụng để cạnh tranh với các ngân hàng lớn hơn.

Do vậy, chênh lệch lãi suất giữa kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài có sự khác biệt rất lớn giữa nhóm các ngân hàng tốp đầu và ngân hàng nhóm dưới. Con số này của Vietcombank, VietinBank và BIDV chỉ là 0,5 điểm phần trăm/năm, trong khi đó tại SCB là 2,4 điểm phần trăm, tại Việt Á  là 1,6 điểm phần trăm, hay SHB là 1,3 điểm phần trăm...

Thứ hai, đó là việc các ngân hàng phải đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá nhằm đáp ứng hai mục tiêu cùng lúc. Một là giảm hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Hai là tăng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) khi các ngân hàng phát hành trái phiếu cấp 2 nhằm tăng vốn tự có (Subordinated bonds). Agribank và VietinBank đang triển khai phát hành trái phiếu với kỳ hạn trên năm năm với khối lượng lần lượt lên tới 5.000 và 10.000 tỉ đồng.

Để huy động được nguồn vốn lớn này, lãi suất thường phải ở mức cao. Cả hai ngân hàng này đều cho biết, mặc dù đang thừa tiền, nhưng họ vẫn phải huy động với mức lãi suất lên tới 8%/năm.

Khó có thể hạ mặt bằng lãi suất theo thế giới

Xu hướng trên của các ngân hàng được dự báo tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá cũng không có nhiều biến động lớn thì người gửi tiền sẽ tiếp tục dịch chuyển từ các kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài để được hưởng mức lãi suất cao hơn.

Trong khi đó, việc tăng vốn để cải thiện hệ số CAR sẽ tiếp tục là bài toán gần như không có lời giải đối với nhiều ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ, khi mà thời hạn áp dụng Basel 2 - từ năm 2020 - đã gần kề.

Cùng với đó là động thái tiếp tục giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN. Theo dự thảo sửa đổi Thông tư số 36/2014 của NHNN thì tỷ lệ này sẽ giảm từ mức 40% hiện nay xuống chỉ còn 30% vào năm 2022. Do vậy, các ngân hàng sẽ buộc phải tiếp tục có giải pháp nhằm tăng nguồn vốn dài hạn, trong đó có việc phát hành trái phiếu. Do đó, chi phí huy động vốn của các ngân hàng được dự báo sẽ vẫn tiếp tục có xu hướng tăng lên.

Diễn biến này được xem là đang đi ngược với xu hướng chung hiện nay khi mà các NHTƯ trên thế giới đang hạ mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng. Thực trạng này tại Việt Nam có lẽ sẽ cần thêm rất nhiều thời gian nữa để các ngân hàng có thể khắc phục được. Bởi đây đều là những nguyên nhân mang tính hệ thống, nợ xấu tăng cao trong khi hiệu quả hoạt động thấp khiến cho các ngân hàng khó thu hút thêm được vốn từ các cổ đông. Chi phí vốn tăng đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ phải được điều chỉnh tăng theo tương ứng. Do đó, các doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt, phương án kinh doanh hiệu quả nên chủ động chuyển sang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng lớn để có được một mức lãi suất thấp hơn, hoặc tìm đến các sản phẩm có mức lãi suất cố định trong thời gian dài nhằm chủ động trong việc kiểm soát chi phí tài chính.

Chuyên đề