Góc khuất trong báo cáo tài chính của Vinacafe

(BĐT) - Thành lập năm 1995 trên cơ sở chuyển từ Liên hiệp Các xí nghiệp cà phê, Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam...
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Vinacafe hiện là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với vốn điều lệ trên 900 tỷ đồng, liệu vai trò của doanh nghiệp này có được phát huy một cách trọn vẹn? 

Biên lợi nhuận thấp

Năm 2015, căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán, Vinacafe đạt 3.124 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm sâu hơn 1.000 tỷ đồng so với kết quả đạt được năm 2014.

Tuy vậy, với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, lợi nhuận gộp của Vinacafe chỉ ở mức 102 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp dừng lại ở con số 3,3%, mức cực kỳ thấp đối với bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào. Năm 2014, biên lợi nhuận của Tổng công ty khá hơn, đạt 7,4%, nhưng chưa thể gọi là khả quan.

Trong năm 2015, Vinacafe đã thoái vốn hoàn toàn khỏi Vinacafe Biên Hòa (mã chứng khoán là VCF). Đây mới là nguồn thu nhập chính cho Vinacafe trong năm 2015. Với giá gốc ghi nhận 34 tỷ đồng (tương đương 3,4 triệu CP), giá VCF dao động ở khoảng 150.000 đồng/CP vào thời điểm thoái vốn, trong năm 2015, Vinacafe hạch toán tới 489 tỷ đồng lợi nhuận từ lãi bán các khoản đầu tư. Rõ ràng Vinacafe Biên Hòa góp phần chủ yếu cho khoản lợi nhuận nói trên.

Kết quả năm 2015 Vinacafe lãi trước thuế 131 tỷ đồng, sau thuế 90 tỷ đồng. Nếu không bán Vinacafe Biên Hòa, kết quả kinh doanh năm 2015 của Vinacafe hẳn sẽ rất bi đát.

Thử so sánh biên lãi gộp của Vinacafe với Vinacafe Biên Hòa, có thể thấy rõ sự lép vế của “ông Tổng cà phê” này. Cũng trong năm 2015, Vinacafe Biên Hòa có biên lãi gộp 33,8%, gấp 10 lần Vinacafe.

Biên lãi gộp thấp cho thấy trình độ sản xuất, kinh doanh rất khiêm tốn của Vinacafe. Chỉ số này chưa hề tính đến các chi phí về tài chính, marketing, quản lý…

Cũng trong năm 2015, Vinacafe hạch toán phát sinh thuế, phí phải nộp Nhà nước 47 tỷ đồng. Với quy mô một doanh nghiệp có tổng tài sản hàng nghìn tỷ đồng (cuối năm 2015 tổng tài sản Vinacafe đạt 3.813 tỷ đồng), con số đóng góp ngân sách như vậy là không đáng kể. 

Lỗ lũy kế trăm tỷ

Năm 2015, căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán, Vinacafe đạt 3.124 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm sâu hơn 1.000 tỷ đồng so với kết quả đạt được năm 2014.
Một điều khá kỳ lạ trong báo cáo tài chính của Vinacafe đó là số dư lợi nhuận chưa phân phối cuối năm 2015 của doanh nghiệp này âm 118 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ dừng lại ở mức âm 8 tỷ đồng. Theo thuyết minh biến động vốn chủ sở hữu trong kỳ, khoản lỗ lũy kế cả trăm tỷ đồng được ghi nhận thêm chủ yếu do khoản mục “giảm khác” lên tới 231 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn gốc của việc hạch toán này không được thuyết minh đầy đủ.

Như vậy, mặc dù có lãi trong năm 2015, Vinacafe lại ghi nhận khoản lỗ lũy kế tới 118 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm. Chỉ số này cho thấy tình hình tài chính của Vinacafe xấu hơn rất nhiều.

Kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 của Vinacafe cũng đồng thời đưa ý kiến ngoại trừ về việc tổng công ty này ghi nhận chưa đầy đủ theo chuẩn mực kế toán. Theo đó, nếu thực hiện ghi nhận đầy đủ, lợi nhuận trước thuế của Vinacafe sẽ giảm tương đương 38 tỷ đồng, còn lại chỉ 93 tỷ đồng.

Ngoài ra, do chính sách ghi nhận các nghiệp vụ giao dịch nội bộ (doanh thu, giá vốn, công nợ) giữa Tổng công ty và các đơn vị thành viên và giữa các đơn vị thành viên với nhau chưa nhất quán nên các khoản mục nói trên chưa được loại trừ hết. Kết quả kinh doanh hợp nhất cũng như tình hình tài chính/công nợ của Vinacafe có thể sẽ thay đổi đáng kể nếu các quy định được nhất quán, rõ ràng.

Về thu nhập, năm 2014 thu nhập bình quân của 435 lao động tại Vinacafe đạt 9,4 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, thu nhập bình quân của 7 viên chức quản lý lên tới 41,48 triệu đồng/người/tháng.

Chuyên đề