Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất: Nên nới thời hạn và mở rộng đối tượng

(BĐT) - Bộ Tài chính vừa hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, nười dân khắc phục khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nên nới thời hạn gia hạn và bổ sung thêm đối tượng được thụ hưởng chính sách.
Việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Ảnh: Tiên Giang
Việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Ảnh: Tiên Giang

Theo Dự thảo, các đối tượng được gia hạn gồm các doanh nghiệp, nhóm cá nhân và hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm, vận tải đường sắt, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch…, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Về nội dung gia hạn, Dự thảo đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp các tháng 3, 4, 5, 6 năm 2020 của các đối tượng đang kê khai thuế GTGT theo tháng. Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với thuế GTGT phát sinh phải nộp của quý I và quý II năm 2020 của các đối tượng đang thực hiện kê khai thuế GTGT theo quý. Thời gian gia hạn là 5 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT. Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020 của cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn trước ngày 15/12/2020.

Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính cho biết, giải pháp gia hạn này không ảnh hưởng tới số thu ngân sách của năm 2020 dù tổng số tiền thuế, tiền thuê đất chậm nộp là khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp hoan nghênh đề xuất gia hạn các khoản nộp ngân sách nêu trên, đồng thời bày tỏ mong muốn Bộ Tài chính kéo dài thêm thời hạn gia hạn bởi tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến bất ổn. Theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, chậm nộp 5 tháng là tốt, nhưng nên kéo dài hơn, tiền thuế có thể được gia hạn từ 9 tháng đến 1 năm, tiền thuê đất nên được gia hạn 13 tháng.

Về các đối tượng được gia hạn, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp một cách nặng nề từ dịch Covid-19 nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Vì vậy, nên mở rộng đối tượng được gia hạn thời gian nộp thuế GTGT. “Gia hạn cho tất cả các doanh nghiệp thì khó nhưng những DN bị ảnh hưởng vì dịch bệnh nên được gia hạn”, ông Phú đề nghị.

Phân tích đề xuất này của Bộ Tài chính, PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc gia hạn này không ảnh hưởng quá lớn đến ngân sách nhà nước nhưng có tác động tương đối tốt cho các doanh nghiệp. Theo đó, thay vì phải nộp tiền thuế và tiền thuê đất, doanh nghiệp có thể dùng tiền đó để phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Như vậy, doanh nghiệp giảm được số tiền phải vay của ngân hàng để kinh doanh lại không phải trả tiền chậm nộp. Từ góc độ ngân sách nhà nước, nguồn thu ngân sách nhà nước cũng là nguồn chi cho các mục đích và hoạt động đã được quy định. Việc nguồn thu về chậm hơn so với quy định sẽ ảnh hưởng đến nguồn chi. Do đó, việc gia hạn cũng không thể kéo dài quá lâu.

“Việc ban hành Nghị định sẽ “chốt” chặt thời hạn gia hạn thuế và tiền thuê đất. Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh còn nhiều bất ổn và có thể kéo dài. Do đó, gia hạn 5 tháng là quá ngắn, nên kéo dài thời hạn này thành tối thiểu phải 8 tháng. Đồng thời, có thể xem xét mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng bởi thực tế nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác cũng chịu tác động gián tiếp từ dịch bệnh này”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Chuyên đề