Giá dầu giảm tác động trực tiếp đến thu ngân sách

(BĐT) - Cung cầu về dầu, triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới và động thái của OPEC với dầu đá phiến Mỹ sẽ là những yếu tố tác động trực tiếp đến giá dầu trong thời gian tới.
Năm 2016 được dự báo sẽ tiếp tục là năm đầy biến động của giá dầu. Ảnh: Tất Tiên
Năm 2016 được dự báo sẽ tiếp tục là năm đầy biến động của giá dầu. Ảnh: Tất Tiên

Nhiều yếu tố làm biến động giá dầu

Thế giới đang tiếp tục chứng kiến cú sốc giá dầu lao dốc. Trong hơn một năm qua, sự “tuột dốc không phanh” ngoài sức tưởng tượng của giá “vàng đen” là một cơn địa chấn lớn trong nền kinh tế thế giới. Tuy giá dầu tại thời điểm hiện tại và cách đây 12 năm gần như ngang nhau, nhưng thị trường dầu ở hai thời kỳ này lại có sự khác biệt rất rõ rệt.

Quy luật cung cầu trên thị trường khách quan mà khốc liệt, vô tình và không khoan nhượng. Cung vượt cầu quá nhiều như hiện tại thì giá dầu sẽ còn tiếp tục giảm. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), từng là tác nhân quyết định chiều hướng và mức độ biến động giá dầu trên thị trường thế giới, hiện tồn tại cũng như không. Ngành khai thác dầu lửa từ đá phiến ở Mỹ tăng trưởng ấn tượng. Xu thế sử dụng những nguồn năng lượng mới và sạch thắng thế trong khi dự báo xuất khẩu dầu của Iran ngày càng lớn vì vấn đề hạt nhân của nước này đã được giải quyết. Tất cả khiến tình cảnh giá dầu thêm bi đát. Triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới vẫn ảm đạm, kinh tế Trung Quốc đã qua thời tăng trưởng hoàng kim và các nền kinh tế khác vẫn lẹt đẹt đã góp phần tạo nên tác động cộng hưởng khiến giá dầu “tuột dốc”.

Dự báo, giá dầu còn tiếp tục biến động khó lường và chắc chắn sẽ tác động sâu sắc, lâu dài đối với cục diện chung của thế giới. Dự báo năm 2016 sẽ tiếp tục là năm đầy biến động của giá dầu.

Tác động tiêu cực khi giá dầu giảm

Nhìn lại những năm qua, thu ngân sách từ dầu thô của nước ta giảm mạnh do sản lượng và giá không tăng, thậm chí giảm, cụ thể thu dầu thô giảm từ mức bình quân 5,2% GDP giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn dưới 1% hiện nay (dự toán năm 2016 là 0,9% GDP).

Trong 3 năm trở lại đây, xuất khẩu dầu thô giảm nhẹ và đây là yếu tố tác động đến nguồn thu của quốc gia

Trong 3 năm trở lại đây, xuất khẩu dầu thô giảm nhẹ và đây là yếu tố tác động đến nguồn thu của quốc gia. Năm 2012, xuất khẩu dầu thô của cả nước là 8,23 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu là 114,57 tỷ USD; năm 2013 giảm xuống còn 7,2 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu là 132,2 tỷ USD; năm 2014 là 7,23 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu là 150 tỷ USD và năm 2015, các cơ quan quản lý dự toán nguồn thu giá dầu 93.000 tỷ đồng, với giá dầu dự toán 98 USD/thùng trong tổng kim ngạch xuất khẩu là 162,11 tỷ USD. Kết quả chính thức ước tính tới ngày 15/12/2015, nguồn thu ngân sách từ dầu thô đang đạt 66.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 6% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, sự sụt giảm của giá dầu thô thế giới mới là yếu tố chính khiến dầu thô của Việt Nam xuất khẩu ngày càng bị co hẹp lại, đặc biệt là co hẹp về mức lãi khi giá xuất đi ngày càng về gần với chi phí bỏ ra để khai thác dầu. Năm 2016, Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 14 triệu tấn dầu thô, với giá Quốc hội giao là 60 USD/thùng, tuy nhiên thực tế xuống chỉ còn 35 USD/thùng. Việc giá dầu giảm sẽ tác động gần như ngay lập tức tới việc giảm thu ngân sách và đây là bài toán rất khó trong việc cân bằng thu chi ngân sách của Chính phủ. Dự báo, trong năm 2016 giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì chu kỳ giá thấp, dao động trong khoảng 28 - 40 USD/thùng.

Trước thực trạng đó, Bộ Tài chính đã xây dựng các phương án rất cụ thể, không chỉ là những kịch bản cho giá dầu ở mức 60, 50, 45 USD/thùng, mà trường hợp 40, 35, thậm chí 30 USD/thùng cũng đã được tính toán. Không loại trừ khả năng giá dầu duy trì ở mức thấp trong dài hạn, đề ra phương án đối phó, tính toán tầm ảnh hưởng của giá dầu đến nền kinh tế Việt Nam là việc phải tính đến. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao diễn biến giá dầu thế giới để kịp thời điều chỉnh chính sách.

PGS.TS Ngô Trí Long

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả thuộc Bộ Tài chính

Chuyên đề