EUR tăng giá, lợi nhuận của 2 “ông lớn” xi măng giảm mạnh

(BĐT) - Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn và Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 vừa công bố Báo cáo tài chính bán niên năm 2017. Việc đồng EUR tăng giá mạnh so với đồng nội tệ đã làm cho lợi nhuận của 2 công ty sụt giảm mạnh.
Mặc dù nguồn cung xi măng đã dư thừa nhưng trong năm 2017 có thêm nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động
Mặc dù nguồn cung xi măng đã dư thừa nhưng trong năm 2017 có thêm nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động

Chênh lệch tỷ giá tăng vọt

Với Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn, riêng trong quý II/2017, công ty này báo lỗ gần 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng tới 70 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế của Xi măng Vicem Bút Sơn chỉ đạt 5,5 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ năm 2016.

Nửa đầu năm 2017, doanh thu thuần của Công ty đạt 1.579 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2016. Lãi gộp cũng giảm 17%, đạt 233 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt giảm lợi nhuận là do chi phí tài chính tăng cao đột biến.

Cụ thể, chỉ riêng trong quý II/2017, chi phí tài chính của Xi măng Vicem Bút Sơn là 78 tỷ đồng, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, chi phí tài chính của Công ty là 119 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi chi phí lãi vay của Công ty chỉ tăng nhẹ từ 61 tỷ đồng năm 2016 lên 68 tỷ đồng năm 2017, thì lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ lại tăng gấp 7 lần (từ 6,7 tỷ đồng lên 47 tỷ đồng). Theo Xi măng Vicem Bút Sơn, trong quý II/2017, giá EUR tăng đã làm phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá tới 39 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 30/6/2017, Xi măng Vicem Bút Sơn có số dư tín dụng bằng ngoại tệ là gần 586 tỷ đồng. Toàn bộ các khoản vay ngoại tệ của Công ty là bằng đồng EURO. Tại Việt Nam, theo bảng tỷ giá của Ngân hàng Vietcombank, tỷ giá EUR/VND đã tăng 6,6%, từ mức 24.410 đồng từ đầu quý II lên 26.030 đồng vào cuối ngày 30/6/2017. Như vậy, nếu tỷ giá EUR/VND tăng (giảm) 1% thì lợi nhuận trước thuế của Công ty sẽ giảm (tăng) thêm 5,9 tỷ đồng.

Cũng giống như trường hợp của Xi măng Vicem Bút Sơn, kết quả kinh doanh quý I và 6 tháng đầu năm 2017 của Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 suy giảm sau 3 năm tăng trưởng mạnh (2014 - 2016) do sự tăng giá của EUR so với VND. Cụ thể, chi phí tài chính tăng mạnh 142% (từ 66 tỷ đồng năm 2016 lên 160 tỷ đồng năm 2017). Quý II/2016, chênh lệch tỷ giá của Xi măng Hà Tiên 1 là âm 29 tỷ đồng, nhưng trong quý II/2017 con số này là dương 75 tỷ đồng, chiếm 46,8% tổng chi phí tài chính. Do vậy, mặc dù doanh thu thuần quý II/2017 của Công ty đạt 2.152 tỷ đồng, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước và các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ tăng giảm nhẹ, nhưng do chi phí tài chính vẫn tăng mạnh tới 142% làm cho lãi ròng quý II chỉ đạt 115 tỷ đồng, bằng gần một nửa cùng kỳ năm 2016.

Mặc dù Báo cáo tài chính quý II của Công ty không ghi rõ các khoản nợ bằng ngoại tệ, nhưng theo Báo cáo tài chính năm 2016, dư nợ tín dụng dài hạn của Xi măng Hà Tiên 1 bằng đồng EUR là 1.328 tỷ đồng. 

Khó khăn trước mắt

Trong khi nguồn cung xi măng vốn đã dư thừa thì trong năm 2017 tiếp tục có nhiều nhà máy xi măng mới đi vào hoạt động như: Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa), Xi măng Sông Lam (Nghệ An),… đã làm cho sự cạnh tranh trên thị trường xi măng càng trở nên khốc liệt. Hiệp hội Xi măng Việt Nam dự báo, thị trường nội địa sẽ dư cung khoảng 26 triệu tấn xi măng trong thời gian tới.

Theo kết quả nghiên cứu cập nhật về triển vọng thị trường hàng hóa toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 26/4/2017, giá than được kỳ vọng tăng 6% trong năm 2017, do Trung Quốc áp dụng chính sách hạn chế khai thác trong năm 2016. Trong cơ cấu giá thành xi măng, giá than chiếm tới 40%, do vậy việc giá than tăng sẽ làm cho giá vốn của xi măng tăng theo và gây nhiều khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ xi măng.

Ngoài ra, một khó khăn khác mà các doanh nghiệp xi măng có thể phải đối mặt trong thời gian tới là việc nhiều công trình tạm dừng thi công do thiếu cát.

Theo ông Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vẫn đang giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0% và duy trì chương trình mua tài sản quy mô 60 tỷ EUR/tháng nhưng đã phát đi tín hiệu rõ hơn về xem xét chuyển sang chính sách tiền tệ thắt chặt. Ngoài ra, những ngày gần đây đồng EUR đang tăng giá trở lại so với đồng USD do các nhà đầu tư dự đoán về một khả năng tăng lãi suất sau phát biểu của ECB ngày 20/7 vừa qua. Tỷ giá EUR/USD đã tăng tới 1,7% từ 1.1472 lên 1.1664 trong tuần trước. Vì vậy, khả năng cao đồng EUR sẽ tăng giá so với đồng nội tệ trong các tháng cuối năm. Điều này sẽ gây khó khăn không chỉ cho 2 doanh nghiệp xi măng là Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn và Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1, mà sẽ là khó khăn chung của cả các doanh nghiệp có tài sản được tài trợ bằng đồng EUR.

Chuyên đề