​Dự trữ ngoại hối tăng ở mức kỷ lục: Tấm đệm lớn để ổn định tỷ giá

(BĐT) - Năm 2019, nhiều đồng tiền trên thế giới đã giảm giá đáng kể so với USD trong khi tỷ giá USD/VND vẫn ổn định. Đây được coi là một trong những thành công của công tác điều hành chính sách tiền tệ. Về diễn biến tỷ giá năm 2020, nhiều ý kiến dự báo sẽ tiếp tục ổn định dù còn một số rủi ro đáng quan tâm.
Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá ổn định, linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô và diễn biến thị trường. Ảnh: Lê Tiên
Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá ổn định, linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô và diễn biến thị trường. Ảnh: Lê Tiên

“Điểm tựa” cho tỷ giá

Tỷ giá USD/VND gần như duy trì ổn định xuyên suốt trong hầu hết các tháng của năm 2019. Nhờ đó, VND tiếp tục nằm trong nhóm những đồng tiền ổn định nhất khu vực, bất chấp những bất ổn địa chính trị và các sự kiện kinh tế trong và ngoài nước.

Đáng lưu ý, trong bối cảnh thị trường toàn cầu chứng kiến nhiều biến động, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có nhiều diễn biến khó lường khiến đồng nhân dân tệ của Trung Quốc rơi xuống mức giá thấp nhất trong 11 năm qua, đồng won của Hàn Quốc đã có lúc mất giá tới gần 9% so với USD nhưng đã hồi phục dần, hiện tại còn giảm hơn 4% so với USD.

Về diễn biến tỷ giá USD/VND trong năm 2019, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV nhận xét, đã có một vài đợt sóng nhỏ trong năm qua, song về cơ bản, tỷ giá vẫn ổn định, hầu như không thay đổi so với đầu năm.

“Trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động, nhiều đồng tiền mất giá đáng kể so với USD, rõ ràng việc VND ổn định như vậy là một thành công. Lý do chính mang lại thành công là quan hệ cung cầu ngoại tệ tương đối ổn định và Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tỷ giá trung tâm linh hoạt, theo hướng ngày càng sát với tỷ giá trên thị trường”, ông Lực nhấn mạnh.

Từ phía cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, năm 2019, cơ quan này đã linh hoạt, chủ động, theo sát và dự báo được những diễn biến phức tạp từ thị trường tiền tệ quốc tế và khu vực để có biện pháp, giải pháp chủ động trong kịch bản điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Theo Thống đốc, điều này thể hiện sự nhất quán trong điều hành, tính chủ động, tăng niềm tin của thị trường cũng như của cộng đồng doanh nghiệp vào năng lực thực thi, điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Qua đó, chúng ta giữ được ổn định tỷ giá, kiểm soát được lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối cung cầu ngoại tệ, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp và hỗ trợ cho xuất khẩu.

“Có thể nói trong thời gian vừa qua, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng ở mức kỷ lục, gấp trên 2,5 lần so với cuối năm 2015. Đây là một tấm đệm rất lớn cho quốc gia để dự phòng những tác động, những yếu tố bất lợi từ bên ngoài tác động vào nền kinh tế”, Thống đốc Lê Minh Hưng chia sẻ. 

Vẫn còn rủi ro

Về định hướng điều hành thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá ổn định, linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô và diễn biến thị trường.

Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực dự báo, năm 2020, tỷ giá USD/VND về cơ bản sẽ duy trì trạng thái ổn định, dù vẫn có những đợt sóng nhỏ như đã xảy ra trong năm 2019.

“Tôi tin là với phương châm và cách thức điều hành của Ngân hàng Nhà nước, năm 2020, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định như vậy. Tuy nhiên, vẫn còn một số rủi ro trong năm sau có thể tác động đến tỷ giá. Đó là, các rủi ro địa chính trị từ thị trường thế giới còn phức tạp, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn còn là ẩn số. Tôi cho rằng, VND vẫn có xu hướng giảm giá so với USD nhưng mức độ giảm chỉ trong khoảng từ 1 - 2%”, ông Lực nhận định.

Mặt khác, vị chuyên gia này cho rằng, để duy trì tỷ giá ổn định, góp phần hỗ trợ các cân đối vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục cách thức điều hành chính sách tiền tệ như vậy, đồng thời kiên định chính sách chống đô-la hóa, tích cực tăng dự trữ ngoại hối và phối hợp hài hòa các chính sách điều hành khác để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Chuyên đề