Dư địa lớn cho bảo hiểm phi nhân thọ

(BĐT) - Theo ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ năm 2015 ước đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2014, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. 
Doanh thu bảo hiểm từ hoạt động xây dựng hiện tại vẫn còn rất thấp. Ảnh: Lê Tiên
Doanh thu bảo hiểm từ hoạt động xây dựng hiện tại vẫn còn rất thấp. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, doanh thu phí bảo hiểm từ xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe… vẫn chiếm ưu thế lớn, trong khi doanh thu từ bảo hiểm đầu tư, xây dựng vẫn hạn chế.

Doanh thu thấp

Hiện có 29 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động, trong đó chiếm thị phần lớn nhất là Bảo hiểm Dầu khí (PVI), Tập đoàn Bảo Việt (BVH) và Bảo hiểm Bảo Minh. Nhìn vào cơ cấu doanh thu của 3 doanh nghiệp (DN) này có thể thấy khoảng trống khá lớn từ bảo hiểm đầu tư, đấu thầu xây dựng. Cụ thể, theo phân tích của Công ty Chứng khoán HSC, 9 tháng đầu năm 2015 tại BVH, bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm y tế vẫn là hai sản phẩm có doanh thu lớn nhất. Phí bảo hiểm xe cơ giới đã tăng 7,63% so với cùng kỳ năm 2014, tăng 1.402,79 tỷ đồng (chiếm 31,87% tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ); trong khi đó bảo hiểm y tế tăng 6,51%, đạt 1.622,49 tỷ đồng (chiếm 36,87%); bảo hiểm cháy nổ tăng 16,42%, đạt 443,11 tỷ đồng (chiếm 10,07%). Phần còn lại là bảo hiểm đầu tư xây dựng và trách nhiệm nhà thầu.

Tại BMI, đơn vị chiếm vị trí thứ 3 về doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ, cơ cấu doanh thu cũng không có nhiều khác biệt. Theo thống kê của AVI, đến cuối năm 2014, BMI đứng thứ 1 thị trường ở phân khúc bảo hiểm cháy nổ (đạt 275 tỷ đồng, chiếm 22% tổng doanh thu toàn thị trường) và đứng thứ 2 thị trường ở phân khúc bảo hiểm sức khỏe (đạt 851 tỷ đồng, chiếm 14% tổng thị trường), sau Bảo Việt (2,104 tỷ đồng, 35% thị trường).

Tháng 6/2015, Bảo hiểm Bảo Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Coface và Eximbank đưa ra thị trường gói “Bảo hiểm tín dụng thương mại – Cơ cấu tài trợ thương mại” được coi là mở đầu xu thế mới để các công ty bảo hiểm khai thông dòng chảy của sản phẩm bảo hiểm còn nhiều tiềm năng này tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, bảo hiểm nhà thầu, bảo hiểm xây dựng vẫn còn chiếm vị trí khiêm tốn.

Đối với Bảo hiểm Bưu điện (PTI), trong 3 quý đầu năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.306 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu phí bảo hiểm gốc (BHG) đạt 1.766 tỷ đồng, tăng 50% so với 3 quý năm 2014 và đạt 88% kế hoạch cả năm (2.000 tỷ đồng), cao gấp 3,5 lần mức tăng trung bình ngành (14%) trong cùng kỳ. Trong đó, mảng bảo hiểm xe cơ giới có tốc độ tăng trưởng cao nhất 57%, chiếm tỷ trọng 61% trong tổng doanh thu phí BHG của PTI.

Báo cáo tổng hợp số liệu mới nhất từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, 8 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt 20.725 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2014. Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với 6.249 tỷ đồng doanh thu, chiếm tỷ trọng 30,1%. Tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe (4.447 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,46%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (4.129 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,92%), bảo hiểm cháy nổ (1.915 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,24%), bảo hiểm hàng hóa vận chuyển (1.525 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,36%)...

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia bảo hiểm nhận xét, trong doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm thiệt hại và tài sản có một phần thuộc về lĩnh vực đầu tư, xây dựng, các nhà thầu. Tuy nhiên, doanh số từ xây dựng, nhà thầu như hiện tại vẫn rất thấp trong bối cảnh tốc độ xây dựng hạ tầng và kinh tế hồi phục khá mạnh năm 2015. 

Sẽ có bứt phá?

Từ năm 2016, một số chính sách sẽ tác động tích cực đến doanh thu của các DN bảo hiểm. Cụ thể, ngày 15/1/2016, Nghị định số 119/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, chủ đầu tư, nhà thầu là một trong những đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc. Cụ thể, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối vớicông trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường. Nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát, thiết kế của công trình từ cấp II trở lên. Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bảo hiểm đối với người lao động trên công trường.

Thời hạn bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng là khoảng thời gian cụ thể tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời hạn xây dựng căn cứ vào văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Thời bạn bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc tư vấn đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định. Thời hạn bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình. Việc xác định thời hạn bảo hiểm cụ thể đối với người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động. Đối với người lao động, số tiền bảo hiểm tối thiểu là 100 triệu đồng/người/vụ.

Mặc dù Chính phủ quy định buộc mua bảo hiểm đối với các nhà thầu, chủ đầu tư nhưng chưa hẳn đã là “ngon ăn” đối với các DN bảo hiểm. Các nhà thầu sẽ đặt DN bảo hiểm vào cuộc cạnh tranh mới: phí bảo hiểm thấp nhưng điều kiện bảo hiểm mở rộng, chất lượng dịch vụ cao.

Chuyên đề