Đóng cửa, Lingo.vn đẩy nhân viên ra đường

(BĐT) - 2/8/2016, sau cuộc họp ĐHĐCĐ với sự tham gia của 4 cổ đông, Lingo.vn chính thức đóng cửa. Đây là một quyết định khiến thị trường ngỡ ngàng. Vì cách đây 1 năm, Maj Invest Vietnam (MIV) đã hồ hởi tuyên bố rót vốn để đưa Lingo.vn trở thành một trong những trang thương mại điện tử hàng đầu.
Lingo.vn từng được kỳ vọng trở thành website bán lẻ trực tuyến hàng đầu Việt Nam
Lingo.vn từng được kỳ vọng trở thành website bán lẻ trực tuyến hàng đầu Việt Nam

Bỗng dưng giải thể

Chiều 1/9/2016, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với một số lao động cũng như lãnh đạo cao cấp của Lingo.vn tại Văn phòng công ty. Khác với vẻ nhộn nhịp cách đây hơn 1 tháng, Văn phòng Hà Nội của trang thương mại điện tử này vắng vẻ đìu hiu, một số phòng làm việc đã dán niêm phong. Một vài nhân viên đang tiếp tục giải quyết những công việc tồn đọng sau giải thể. Phòng làm việc thiếu thốn đến mức, nước cũng không có để uống khi đơn vị cung cấp đã nhanh chóng đến chuyển đi cả bình nước lẫn cây nước ngay khi nghe tin Công ty đóng cửa (!)

Đại diện người lao động của Lingo cho biết, quyết định giải thể đến bất ngờ, họ chỉ biết trước… 2 tiếng. Đến nay, họ mới chỉ nhận được lương đến ngày 2/8/2016. Phía sử dụng lao động cho rằng như vậy họ đã hết trách nhiệm. Trong khi đó, Lingo vẫn còn nợ BHXH 3 tháng. Vì vậy, các chế độ như bảo hiểm thất nghiệp, hoặc ngay cả việc chốt sổ bảo hiểm, giải quyết quyền lợi cho các lao động thai sản, chuyển việc, cũng chưa thể thực hiện, không biết sẽ trì hoãn đến bao giờ. Thậm chí, đại diện phía Công ty còn tuyên bố “sẽ không có bất kỳ một khoản trợ cấp nào cho nhân viên, bao gồm cả thai phụ, khi Công ty giải thể, vì họ đã là đúng theo pháp luật nhà nước Việt Nam, và cho dù không làm đúng luật đi nữa thì quỹ cũng đã hết tiền”. 

Những cam kết về đâu?

Không có tuyên bố chính thức nào về việc đóng cửa, thị trường vẫn ngầm hiểu sự sụp đổ của Lingo là do hụt vốn, khi Công ty liên tục thua lỗ (trong 2 năm 2014 - 2015, Lingo lần lượt lỗ 31 tỷ đồng và 73 tỷ đồng).

Khi đầu tư vào Lingo MIV có những cam kết tương đối rõ ràng.

Tính đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của Lingo còn gần 15 tỷ đồng. Lingo đang “sống” bằng các khoản vay thương mại, nhờ chiếm dụng vốn của các khách hàng.
Thứ nhất, sau khi rót vốn vào Lingo, MIV tính toán phải đến năm 2018 Công ty mới bắt đầu có lãi. Đó cũng là một tính toán thông thường khi các quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up). Không có một start-up nào có thể có lãi ngay khi bắt đầu. Việc lỗ trong 2 năm 2014 và 2015 vì vậy nằm trong kế hoạch.

Thứ hai, theo cam kết, năm 2016 MIV sẽ rót 3 triệu USD vào Lingo. Tuy nhiên, trong năm 2016, cho đến khi giải thể quỹ này mới chỉ rót thêm khoảng 28 tỷ đồng, chưa đến một nửa con số cam kết. Đến thời điểm giải thể, MIV nắm giữ 12,18 triệu CP Lingo, tương đương 80,24% vốn điều lệ.

Theo báo cáo tài chính năm 2015 của Lingo.vn, sau 4 năm hoạt động, khoản lỗ lũy kế của Lingo đã lên tới 105 tỷ đồng, giá trị tổng tài sản của Công ty tính đến cuối năm 2015 chỉ còn chưa đến 40 tỷ đồng, giảm quá nửa so với con số cuối năm 2014. Trong khi đó, trong năm 2015, vốn điều lệ của Lingo đã tăng từ mức 100 tỷ đồng lên 123,6 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của Lingo còn gần 15 tỷ đồng. Lingo đang “sống” bằng các khoản vay thương mại, nhờ chiếm dụng vốn của các khách hàng. 

Start-up chưa bao giờ bằng phẳng

Nhiều start-up đang hứng khởi với sự chung tay của các quỹ ngoại. Bên cạnh nguồn lực về tài chính, việc được quỹ ngoại “để mắt” cũng là điểm cộng trong quá trình phát triển kinh doanh, được không ít start-up đưa vào trong các văn bản giới thiệu công ty một cách đầy tự hào. Đó là niềm tự hào xứng đáng. Vì huy động quỹ ngoại chưa từng dễ dàng.

Start-up nói chung, thương mại điện tử nói riêng, chưa bao giờ là con đường dễ dàng. Trước Lingo, đã có Deca.vn, Beyeu.vn…, các trang thương mại điện tử ít nhiều định vị được khách hàng, đã từ giã cuộc chơi.

Từ trước đến nay, phần lớn các cuộc giải thể được tiến hành khá êm đẹp khi người lao động được đền bù thỏa đáng (thường nhận 2 tháng lương), các chế độ bảo hiểm được đảm bảo. Vụ việc của Lingo đặt dấu hỏi về vai trò của nhà đầu tư, chủ thể có quyền sinh quyền sát đối với một start-up, đối với người lao động - đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất khi một doanh nghiệp giải thể.

Chuyên đề