Doanh nghiệp thép vẫn tiếp đà tăng trưởng

(BĐT) - Sau một năm 2016 tăng trưởng “nóng”, kết thúc nửa năm 2017 nhiều doanh nghiệp thép vẫn duy trì kết quả tích cực. Cùng với nhiều yếu tố hỗ trợ, nhiều khả năng các DN thép đạt được mục tiêu kinh doanh 2017 đã đề ra.
5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thép tăng 39% về khối lượng và tăng 74% về giá trị. Ảnh: Lê Tiên
5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thép tăng 39% về khối lượng và tăng 74% về giá trị. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều doanh nghiệp báo lãi

Mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017, nhưng theo dự báo của các công ty chứng khoán, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép đầu ngành sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt.

Theo Công ty CP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của Hòa Phát đạt 20.700 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ 2016 nhờ sản lượng tiêu thụ và giá bán bình quân đều tăng. Giá bán bình quân thép xây dựng trong 6 tháng đầu năm tăng 13%, đạt 10,84 triệu đồng/tấn. Lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 3.740 tỷ đồng, tăng 23%. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 52% kế hoạch doanh thu và 62% kế hoạch lợi nhuận năm 2017.

Mới đây, Hòa Phát đã có báo cáo sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm. Trong đó, Công ty đã tiêu thụ được hơn 1 triệu tấn thép xây dựng, tăng 33% so với cùng kỳ 2016. Năm 2017, HSC dự báo doanh thu thuần của Hòa Phát khoảng 40.200 tỷ đồng, tăng trưởng 21% và LNST là 7.430 tỷ đồng, tăng trưởng 12%.

Theo Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2017 của Tập đoàn Hoa Sen đạt gần 12 nghìn tỷ đồng, tăng 44,3% so với cùng kỳ 2016; lợi nhuận trước thuế đạt 1.057 tỷ đồng, tăng 35,2%. Trong đó, doanh thu từ thép tấm chiếm 70% tổng doanh thu. Sản lượng bán ra 6 tháng đầu năm 2017 đối với thép tấm tăng 25% lên gần 549.000 tấn, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của ngành là 13%. Đối với sản phẩm thép ống, Hoa Sen vẫn duy trì vị trí thứ hai tại thị trường trong nước, sau Hòa Phát, với thị phần 16%. Sản lượng thép ống bán ra 6 tháng đầu năm đạt 171.000 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ 2016.

Ngoài các ông lớn, các doanh nghiệp thép có thị phần nhỏ hơn cũng có kết quả hoạt động nửa đầu năm khá ấn tượng. Như trường hợp của Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam, 6 tháng đầu năm 2017, Công ty ghi nhận 2.108 tỷ đồng doanh thu và 73,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng trưởng 25,6% và 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 66% kế hoạch doanh thu và 70,2% kế hoạch lợi nhuận.

Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC cũng kết thúc nửa đầu 2017 với kết quả hết sức ấn tượng. Công ty thu về 5.798 tỷ đồng doanh thu, đạt 55% kế hoạch năm và 151,2 tỷ đồng LNST (kế hoạch lợi nhuận 2017 là 150 tỷ đồng). Do đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm nên SMC chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn cho 6 tháng còn lại với 60 tỷ đồng. Nếu hoàn thành đúng kế hoạch, năm 2017, SMC sẽ thu về 211,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt kế hoạch gần 41%. 

Nhiều yếu tố hỗ trợ

Thị trường thép trong nước có dấu hiệu tăng trở lại, nhu cầu thép xây dựng tiếp tục tăng khá. 6 tháng đầu năm, sản xuất thép trong nước đạt gần 9,5 triệu tấn, tăng 11,7%  so với cùng kỳ năm 2016. Tình hình tiêu thụ cũng khả quan với mức tăng trưởng 11,7%, đạt hơn 7,8 triệu tấn.
Theo báo cáo thị trường thép 6 tháng đầu năm 2017 của Hiệp hội Thép Việt Nam, thị trường thép trong nước có dấu hiệu tăng trở lại, nhu cầu thép xây dựng tiếp tục tăng khá. 6 tháng đầu năm, sản xuất thép trong nước đạt gần 9,5 triệu tấn, tăng 11,7%  so với cùng kỳ năm 2016. Tình hình tiêu thụ cũng khả quan với mức tăng trưởng 11,7%, đạt hơn 7,8 triệu tấn.

Về tình hình xuất nhập khẩu thép, 5 tháng đầu năm 2017 xuất khẩu thép thành phẩm đạt 1,83 triệu tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,24 tỷ USD, tăng 39% về khối lượng, và tăng 74% về giá trị. ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu hơn 992 triệu tấn, chiếm tới 60% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Trong khi đó, tổng khối lượng thép nhập khẩu đạt 6,7 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên, tổng kim ngạch nhập khẩu lại tăng tới 42% lên 3,9 tỷ USD.

Ngoài ra, Chính phủ đã quyết định áp thuế tự vệ thép xây dựng vào năm 2016 với lộ trình thực hiện đến năm 2020 sẽ đánh thuế cao đối với sản phẩm phôi thép và thép dài xây dựng nhập khẩu.

Chính phủ cũng áp dụng thuế chống phá giá sản phẩm tôn mạ kẽm, tôn lạnh từ Trung Quốc và Hàn Quốc với biên độ từ 19% - 38% trong 5 năm từ 14/04/2017. Đối với tôn màu, Việt Nam áp dụng thuế tự vệ 19% đối với lượng nhập khẩu vượt quá hạn ngạch từ 380 - 460 nghìn tấn/năm từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2020 (sản lượng tiêu thụ nội địa của các doanh nghiệp thuộc VSA khoảng 700 - 800 nghìn tấn/năm).

Với sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp thép nội địa sẽ có thêm thời gian gia tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh trước khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.

Chuyên đề