Doanh nghiệp sốt ruột chờ hướng dẫn triển khai hóa đơn điện tử

(BĐT) - Cần sớm có sự thống nhất và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp (DN) trong việc triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) là vấn đề nhận được nhiều kiến nghị của DN đối với Tổng cục Thuế tại Diễn đàn Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai HĐĐT diễn ra chiều ngày 30/7, tại Hà Nội.
 
Diễn đàn Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hóa đơn điện tử diễn ra chiều ngày 30/7/019 tại Hà Nội. Ảnh: Trần Nam.
Diễn đàn Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hóa đơn điện tử diễn ra chiều ngày 30/7/019 tại Hà Nội. Ảnh: Trần Nam.

Gửi kiến nghị nhưng mãi chưa có hồi âm

Theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP hướng dẫn quản lý, sử dụng hoá đơn điện tử (NĐ 119), chậm nhất là đến ngày 1/11/2020, các DN phải hoàn thành việc chuyển đổi sử dụng từ hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang HĐĐT.

Số liệu tổng hợp của Tổng cục Thuế tính đến tháng 7/2019 cho thấy, số lượng DN đã đăng ký phát hành hoá đơn điện tử có mã của Cơ quan Thuế mới chỉ có 279 DN (Hà Nội có 128 DN, TP.HCM có 118 DN, Đà Nẵng có 33 DN). Trong đó, số lượng DN đã xuất HĐĐT có mã là 255 DN với tổng số hoá đơn được xác thực là hơn 8 triệu hoá đơn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc nhiều DN vẫn còn ngần ngại triển khai HĐĐT là do chi phí áp dụng HĐĐT vẫn cao hơn nhiều so với việc tự in hóa đơn.

Mặc dù nhận thức được những lợi ích mang lại và đã áp dụng HĐĐT, nhưng tại Diễn đàn, không ít DN phản ánh họ đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có văn bản trả lời chính thức, thông tư hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, dẫn đến những cách hiểu khác nhau, khiến DN vô cùng lúng túng không biết triển khai như thế nào.

Chẳng hạn như vấn đề có bắt buộc hiển thị ngày ký chữ ký số trên HĐĐT hay không; ngày lập hóa đơn hay ngày ký phát hành HĐĐT mới là ngày có giá trị pháp lý; muốn điều chỉnh nhiều nội dung của một hóa đơn gốc thì phải phát hành nhiều hóa đơn điều chỉnh...

Nhưng điều khiến DN bức xúc hơn, bà Hương chia sẻ: “Chúng tôi đã có văn bản hỏi trực tiếp Tổng cục Thuế, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, mỗi chi cục thuế tại địa phương lại thực thi theo cách khác nhau.

Theo ông Nguyễn Khơ Din - Giám đốc khối khách hàng DN, Tập đoàn Công nghệ BKAV, Tổng thư ký Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử (Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam), mặc dù NĐ119 đã có hiệu lực từ tháng 9/2018, song lại chưa có thông tư hướng dẫn, tạo nên những khoảng trống trong quy định. Mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ HĐĐT lại triển khai theo những cách thức khác nhau mà chưa có tiêu chuẩn chung, mạnh ai nấy làm. Đơn vị nào sẽ thẩm tra năng lực của các đơn vị cung cấp giải pháp dịch vụ HĐĐT, kiểm tra tính an toàn, an ninh và bảo mật của dịch vụ... Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước như thuế, kho bạc, bảo hiểm, quản lý thị trường lại chưa có sự thống nhất, triển khai đồng bộ khiến DN gặp không ít khó khăn khi áp dụng HĐĐT.

Tháo gỡ khó khăn, phiền hà cho DN

Giải đáp những băn khoăn, thắc của DN về HĐĐT, ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn – Tổng Cục thuế khẳng định, hóa đơn có tính hợp pháp phải đảm bảo nguyên tắc toàn vẹn, đầy đủ nội dung, form, mẫu. Do đó, HĐĐT chỉ có giá trị pháp lý khi có đầy đủ chữ ký chứng thư số, tức là lúc ký phát hành hóa đơn, chứ không phải lúc lập. Trong trường hợp, DN có hàng hóa, dịch vụ có tính đặc thù thì phải nghiên cứu, xem xét điều khoản ký kết trong hợp đồng.

Tuy vậy, về phía nhà cung cấp dịch vụ HĐĐT, ông Lê Quang Anh – Phó Giám đốc Khối dịch vụ khách hàng của Công ty CP phát triển công nghệ Thái Sơn cho rằng, không nên áp dụng “cứng” quy định ngày ký và ngày lập HĐĐT phải trùng nhau, bởi có những DN rất đặc thù.

Đối với việc bổ sung thời điểm ký phát hành hóa đơn trên hóa đơn cung cấp cho người mua, hay các giao thức kết nối trong phát hành HĐĐT và chuẩn hóa dữ liệu giữa các cơ quan liên quan, đại diện của Cục Công nghệ thông tin thuộc Tổng cục Thuế khẳng định, để khắc phục điều này không khó về kỹ thuật, có thể làm được và sẽ sớm xem xét quy định này trong Dự thảo Thông tư hướng dẫn NĐ 119 sắp tới.

Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT, nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn về năng lực, tài chính, hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ thuật, kết nối... Tuy nhiên, không được phát sinh điều kiện kinh doanh, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm và loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết tạo thuận lợi hóa cho DN.

 “Lâu nay chúng ta chuyển từ giấy sang hoá đơn điện tử nên chưa chuẩn chỉ. Do đó, các DN lựa chọn nhà cung cấp HĐĐT cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nhà cung cấp dịch vụ HĐĐT phải đảm bảo năng lực hạ tầng, nhân lực. Không chỉ có chuyên môn kế toán, mà còn phải có đội ngũ hỗ trợ…”, ông Phụng lưu ý thêm đối với các DN.

Chuyên đề