DN bất động sản khát vốn dài hạn

(BĐT) - Giới chuyên môn dự báo, chỉ số VN-Index sẽ chạm mốc 1.100 điểm trong quý I/2018, trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng điểm. Đặc biệt là cổ phiếu của những doanh nghiệp có uy tín, chất lượng sản phẩm tốt sẽ là tâm điểm thu hút dòng tiền trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản có khuynh hướng dùng vốn tự có, hoặc lợi nhuận để tái đầu tư dự án mới nhiều hơn. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp bất động sản có khuynh hướng dùng vốn tự có, hoặc lợi nhuận để tái đầu tư dự án mới nhiều hơn. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều tín hiệu tích cực

Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index có sự tăng trưởng hết sức ấn tượng, với mức tăng gần 40%, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô, cũng như thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á. Trong đà tăng chung của thị trường, vai trò của nhóm cổ phiếu bất động sản là không nhỏ. Hiện số doanh nghiệp bất động sản trên sàn niêm yết đã tăng từ 11 công ty lên tổng số 57.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, có đến hơn 80% mã cổ phiếu bất động sản tăng giá, với mức tăng phổ biến từ 50 - 100%, thậm chí có những cổ phiếu tăng trên 200%. Nền tảng cho đà tăng này là kết quả kinh doanh khởi sắc của khối doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Báo cáo tài chính 9 tháng của phần lớn doanh nghiệp nhóm ngành này đều cho thấy chuyển biến tích cực.

Theo phân tích của TS. Bùi Quang Tín - chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực như: triển vọng kinh tế tăng trưởng, mặt bằng lãi suất ổn định, dòng vốn FDI vào bất động sản tăng… và quan trọng nhất là sự thay đổi từ chính nội tại các doanh nghiệp để đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Thay vì đầu tư đại trà như trước đây, hiện nay họ hướng đến nhu cầu thực tế, quan tâm nhiều hơn đến thiết kế, công năng sử dụng và các dịch vụ, tiện ích bao quanh dự án.

Phân khúc bất động sản hướng đến đối tượng khách hàng là những người có thu nhập trung bình đã thu hút nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn tham gia và nguồn cung luôn chiếm tỷ trọng tương đối cao, phân khúc nhà giá rẻ và trung cấp chiếm trên 50% tổng giao dịch trên thị trường. “Đây là cơ hội lớn cho thị trường bất động sản. Theo đó, cổ phiếu bất động sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng điểm, đặc biệt là cổ phiếu của những doanh nghiệp uy tín, đầu ngành…”, ông Tín nhận định.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam cho biết, ngày càng có nhiều sự hiện diện của các quỹ đầu tư vốn nước ngoài, các ngân hàng đầu tư trong cơ cấu sở hữu của những công ty niêm yết bất động sản trên sàn chứng khoán Việt Nam. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi các nhà đầu tư tìm đến doanh nghiệp bất động sản niêm yết có uy tín để “chọn mặt gửi vàng”. Theo khuyến nghị của ông Khương thì “nhà đầu tư nên lưu tâm đến cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là cổ phiếu của những doanh nghiệp có quỹ đất sạch, sản phẩm tốt”. 

Vẫn hạn chế huy động vốn qua thị trường chứng khoán

Mặc dù có sự tăng trưởng về giá cổ phiếu nhưng số DN bất động sản huy động được thêm vốn thông qua phát hành tăng vốn không nhiều.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện nay chỉ một số công ty bất động sản huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Hiệp hội cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nghiên cứu các biện pháp để có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng và nguồn vốn huy động từ khách hàng.

Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp bất động sản đang nỗ lực nhằm hạn chế phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng và thị trường chứng khoán đang trở thành kênh huy động được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Cụ thể, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc môi giới chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam phân tích, về cấu trúc nguồn vốn, đòn bẩy các doanh nghiệp cải thiện nhẹ so với giai đoạn 2011 - 2012, tỷ lệ vốn chủ sở hữu duy trì mức 40% tổng tài sản là tỷ lệ khá an toàn.

Hiện đang có sự dịch chuyển nhu cầu tín dụng từ thị trường tiền tệ sang thị trường vốn thông qua các công cụ tài chính như phát hành cổ phiếu, trái phiếu... Cùng với đó, doanh nghiệp bất động sản cũng có khuynh hướng dùng vốn tự có, hoặc lợi nhuận để tái đầu tư dự án mới nhiều hơn. "Cơ cấu nợ của các doanh nghiệp bất động sản đang giảm dần theo các năm. Các chỉ tiêu tài chính như lợi nhuận ròng, ROE… đều tăng trưởng vừa phải, không quá nóng, tạo tâm thế ổn định, hạn chế tình trạng giảm sốc, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư", ông Phương cho hay. 

Đà tăng của thị trường gần đây chủ yếu đến từ các cổ phiếu trụ cột như VNM, VJC, VIC, VRE... Chỉ một số ít cổ phiếu bất động sản như LDG, PDR… tăng giá, trong khi hầu hết không được hưởng lợi từ xu hướng tăng của thị trường.

Hiện tại, các chỉ số P/E của nhóm cổ phiếu bất động sản dao động từ khoảng 10 - 12 lần, thấp hơn so với mức bình quân của thị trường là 17. Đây cũng là yếu tố để các nhà đầu tư cân nhắc.

Chuyên đề