Đi về đâu những “lời hứa” trăm nghìn tỷ?

(BĐT) - Cách đây gần 2 năm, ngày 23/3/2014, thông tin về thương vụ cam kết đầu tư với số vốn khủng lên tới 100 tỷ USD thu hút sự chú ý của dư luận. Cụ thể, Công ty Dragon Best International có trụ sở tại Hongkong đã ký kết hợp đồng nguyên tắc với một công ty tư nhân của Việt Nam là Công ty CP Du lịch Hồ Tràm về việc sẽ đầu tư vào 3 dự án lớn ở Việt Nam. Đây không phải là những lời hứa hiếm hoi trên thị trường chứng khoán. 
Lượng giao dịch của cổ phiếu VNM tăng vọt ngay sau khi có thông tin Fraser & Neave muốn mua lại cổ phần mà SCIC thoái khỏi Vinamilk. Ảnh: Nhã Chi
Lượng giao dịch của cổ phiếu VNM tăng vọt ngay sau khi có thông tin Fraser & Neave muốn mua lại cổ phần mà SCIC thoái khỏi Vinamilk. Ảnh: Nhã Chi

Lời hứa gió bay

Các dự án bao gồm: Dự án Khu trung tâm phức hợp Thương mại, Tài chính, Khách sạn, Khu nhà ở, Trung tâm Hội nghị quốc tế tại Ba Son và Tân Cảng (vốn đầu tư 32 tỷ USD); Dự án Khu du lịch sinh thái quốc tế Hồ Tràm và mở rộng thị trấn Phước Bửu tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), vốn đầu tư 18 tỷ USD và Dự án Khu kinh tế Bờ Y, vốn đầu tư 50 tỷ USD.

100 tỷ USD là con số khó hình dung về mức độ khổng lồ của nó. Tuy nhiên, có thể so sánh với GDP Việt Nam năm 2013, đạt 171 tỷ USD. Như vậy, thương vụ này có giá trị hơn một nửa GDP cả năm của cả một quốc gia. Con số gây hoài nghi đối với tất cả các chuyên gia tài chính cũng như nhà hoạch định chính sách. Các quỹ đầu tư lớn ở Mỹ cũng chỉ quản lý khoảng vài chục triệu USD là tối đa. Dragon Best International không có tên trong danh sách 100 quỹ đầu tư lớn nhất thế giới.

Việc quản lý lỏng lẻo những thông tin được đưa ra trên thị trường chứng khoán đặt nhà đầu tư trước rất nhiều nhiễu loạn. Và thiệt hại là điều khó tránh khỏi 
Sau phát nổ hiếm hoi đó, thương vụ dần đi vào quên lãng. Không ai nhắc đến Quỹ này hay những ảnh hưởng mà lời hứa trăm tỷ đô mang lại. Đó không phải là trường hợp duy nhất trên sàn chứng khoán Việt.

Global Emerging Markets (GEM) được giới thiệu là một Tập đoàn đầu tư của Mỹ với tổng tài sản danh mục khoảng 3,4 tỷ USD. Đến giờ phút này, GEM nổi danh như một ông-Tây-chém-gió khi liên tục đưa ra những lời hứa hẹn, song việc thực hiện lại chẳng đến đâu. Đã có ít nhất 4 doanh nghiệp Việt Nam nhận được cam kết đầu tư từ GEM với số tiền hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng. Không biết có tình cờ hay không, các doanh nghiệp này đều niêm yết và là những cổ phiếu thu hút sự chú ý của giới đầu tư lẫn đầu cơ.

Thương vụ lớn nhất mà GEM công bố tại Việt Nam là cam kết rót vốn vào Hoàng Anh Gia Lai với số tiền khoảng 1.700 tỷ đồng (80 triệu USD). Lễ ký kết được tổ chức hoành tráng tại TP.HCM vào ngày 6/11/2014. Theo cam kết, GEM sẽ mua khoảng 10% cổ phần HAG của Hoàng Anh Gia Lai trên sàn chứng khoán trong vòng 3 tháng để trở thành cổ đông chiến lược của Hoàng Anh Gia Lai.

Lời hứa của GEM đối với Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục rơi vào quên lãng như bao nhiêu lời hứa khác của tổ chức này. Không có một thông tin chính thức nào được đưa ra giải thích cho việc không thực hiện cam kết của GEM. Cổ phiếu HAG sau nhiều thông tin bất lợi, hiện giao dịch ở mức giá chưa đến 8.000 đồng/cổ phiếu, giảm sâu từ mức 25.000 đồng/cổ phiếu lúc GEM cam kết đầu tư. 

Đến lời hứa thành tin đồn

Vinamilk là một trong những cổ phiếu Blue chips của Thị trường chứng khoán Việt Nam. Cổ phiếu VNM của công ty này hiện đã kín room ngoại. Thông tin Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ dần thoái vốn khỏi doanh nghiệp đứng đầu ngành sữa khiến nhà đầu tư mong ngóng.

Ngày 2/11/2015, thông tin trên một tờ báo nổi tiếng của Việt Nam cho biết, Tập đoàn đồ uống Singapore Fraser & Neave (F&N) đã đánh tiếng qua trao đổi thư với đại diện của Vinamilk về mối quan tâm của họ đối với việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại đây. Cụ thể, F&N đánh tiếng mua lại cổ phần mà SCIC thoái khỏi Vinamilk với giá khoảng 4 tỷ USD, cao hơn khoảng 43% so với thị giá lúc bấy giờ của VNM.

Thông tin có vẻ đáng tin khi F&N hiện đang là cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk (nắm giữ 11% cổ phần) và có một đại diện trong Hội đồng quản trị Vinamilk. Tuy nhiên, những người tỉnh táo nhất lại cho rằng, việc mua lại có thể không bất ngờ, nhưng công bố con số về giá cả - lại là mức giá cao hơn hẳn so với thị giá có vẻ như là một hành động không mấy khôn ngoan.

Chỉ một phiên giao dịch sau khi thông tin được đồn thổi trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu VNM đã tăng mạnh với mức giá trao tay cao nhất lên tới 123.000 đồng/cổ phiếu - tăng 6.000 đồng so với phiên trước đó. Phiên giao dịch ngày 3/11/2015, đã có 2,36 triệu cổ phiếu VNM được trao tay, trong khi số lượng cổ phiếu khớp lệnh phiên trước đó chỉ đạt 715,5 nghìn đơn vị.

Tuy nhiên, sau 1 ngày, F&N đã có công văn gửi Sở giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) - nơi công ty này niêm yết, phủ nhận thông tin nói trên. Cho đến giờ, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về “tin đồn” được đưa ra.

Trong một cuộc gặp mặt với báo chí đầu năm 2016, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, nếu có quyền, ông sẽ truy đến cùng vụ công bố thông tin ảnh hưởng đến cổ đông của Vinamilk nói trên.

Có thể nói, việc quản lý lỏng lẻo những thông tin được đưa ra trên thị trường chứng khoán đặt nhà đầu tư trước rất nhiều nhiễu loạn. Và thiệt hại là điều khó tránh khỏi. Đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, vì vậy, cần rất nhiều sự tỉnh táo, và đặc biệt cẩn trọng với bất kỳ thông tin nào được đưa ra.

Chuyên đề