Đề xuất thuế nhập khẩu 0% với linh kiện ô tô chưa sản xuất được

(BĐT) - Áp dụng quy định thuế suất thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được NK để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
DN công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là DN nhỏ và vừa với quy mô và năng lực còn nhỏ, yếu. Ảnh minh họa: Internet
DN công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là DN nhỏ và vừa với quy mô và năng lực còn nhỏ, yếu. Ảnh minh họa: Internet

Đây là đề xuất đáng chú ý của Bộ Tài chính tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế NK ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan vừa hoàn thiện.

Dự thảo này đã sửa đổi, bổ sung quy định về thuế suất thuế NK ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành công nghiệp ô tô giai đoạn năm 2019 - 2023 (Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ - CNHT).

Theo Bộ Tài chính, thời điểm này cần thiết xây dựng chính sách ưu đãi thuế NK đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn 2019 - 2023; đồng thời để tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và phát huy điểm mạnh hiện có của các doanh nghiệp (DN) CNHT để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, đáp ứng được điều kiện cần và đủ trong phát triển ngành CNHT.

Theo cam kết tại Hiệp định CPTPP, thuế NK ô tô nguyên chiếc giảm dần về 0% sau 7 - 9 năm, còn theo EVFTA, thuế NK ô tô nguyên chiếc cũng sẽ giảm dần về 0% sau 9 - 10 năm nữa. Hiện nay, thuế NK ô tô từ các nước khu vực ASEAN đã giảm xuống còn 0% (mức thuế 0% bắt đầu áp dụng từ năm 2018). Như vậy, tới năm 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản ô tô lớn trên thế giới bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Mexico và EU.        

Các DN CNHT chủ yếu là DN nhỏ và vừa với quy mô và năng lực còn nhỏ, yếu. Trong khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện chỉ có khoảng 300 DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng DN CNHT của Việt Nam lại có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực.

Các sản phẩm này đã đáp ứng nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. DN CNHT trong nước đã có thể cung cấp một số phụ tùng, linh kiện nhựa, cao su cho các sản phẩm điện tử, ô tô xe máy, phụ tùng linh kiện nhôm và kim loại cho ô tô, xe máy và các sản phẩm máy móc thiết bị…

Với những lý do nêu trên và kiến nghị của một số địa phương, hiệp hội, DN, Bộ Tài chính dự kiến bổ sung Điều 7b quy định Chương trình ưu đãi thuế NK trong thời hạn 5 năm 2019 - 2023 đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được NK để sản xuất các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, mức độ tăng trưởng trung bình phân khúc xe du lịch trong 5 năm qua đạt từ 30 - 40% và dự báo tới 2025, thị trường sẽ nhanh chóng tiệm cận con số 1 triệu xe bán ra/năm. Đây chính là tiền đề, cơ hội, cũng là thách thức đối với ngành CNHT cho sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam khi quy mô thị trường đã đủ lớn để đầu tư phát triển CNHT.

Chuyên đề