Đề xuất giải pháp xử lý nợ xuyên biên giới

(BĐT) - Tại cuộc họp báo ngày 13/11, đại diện Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cho rằng Chính phủ cần chú trọng giám sát và hợp tác xử lý nợ nước ngoài của doanh nghiệp (DN). 
Nợ nước ngoài do doanh nghiệp tự vay tự trả ở mức cao là một trong những nguyên nhân khiến nợ nước ngoài của quốc gia tăng vọt. Ảnh: Lê Tiên
Nợ nước ngoài do doanh nghiệp tự vay tự trả ở mức cao là một trong những nguyên nhân khiến nợ nước ngoài của quốc gia tăng vọt. Ảnh: Lê Tiên

Về việc mở rộng phạm vi hoạt động của công ty này, theo đại diện DATC, là để làm tốt hơn vai trò định hướng và dẫn dắt thị trường nợ theo chủ trương của Chính phủ.

Cần giải pháp xử lý nợ nước ngoài của doanh nghiệp

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong các năm 2015, 2016, 2017 tương ứng là 42,0%, 44,8% và 48,9%. Dự kiến vào cuối năm 2018, tỷ lệ này ở mức 49,7%, sát với mức trần 50% GDP. Đáng chú ý, nợ nước ngoài do DN tự vay tự trả đang ở mức cao và là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ nước ngoài của quốc gia tăng vọt trong thời gian qua.

Liên quan đến nội dung này, ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc DATC nêu quan điểm: “Trong trường hợp dự án vay vốn nước ngoài của các DN hoạt động không như mong muốn thì hậu quả của nợ xấu là vấn đề cần xem xét. Khi đó, nợ xấu có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng về nguồn cung ngoại tệ và ảnh hưởng đến tỷ giá. Do đó, vấn đề này cần được nhận diện để giải quyết”.

Cũng theo ông Thường, Chính phủ nên tính đến các giải pháp xử lý nợ xấu xuyên biên giới, có thể thông qua việc hợp tác với các bên liên quan. Một giải pháp khác là thành lập quỹ tái cấu trúc nợ xấu do Nhà nước bảo trợ với sự đóng góp của các bên để có thể xử lý được các khoản nợ xấu này. Quỹ này có thể có sự chung tay của các nhà tài trợ vốn trong và ngoài nước.

“Mặt khác, Chính phủ cũng cần kiểm soát chặt các khoản vay nước ngoài của DN. Hiện tại các DN chỉ mới đăng ký các khoản vay này. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng vốn vay tại các dự án, chất lượng các dự án có sử dụng vốn vay này vẫn còn bị bỏ ngỏ. Đây là những vấn đề cần xem xét trong thời gian tới”, ông Thường nhấn mạnh 

Đề xuất mở rộng phạm vi và chức năng hoạt động của DATC

Trở lại với hoạt động của chính DN mình, ông Phạm Mạnh Thường cho biết, việc xử lý nợ xấu tại DATC đang bị chậm lại đáng kể do những khó khăn về pháp lý. Sau 4 năm kể từ thời điểm Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đề nghị DATC thực hiện xử lý nợ xấu, quá trình này mới đang đi đến giai đoạn hoàn tất.

Theo ông Thường, việc xử lý nợ xấu tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là không dễ dàng bởi sự ràng buộc với nhiều chủ thể và liên quan đến nhiều vấn đề cần giải quyết như nợ đọng thuế, nợ bảo hiểm xã hội, dự án đầu tư ưu đãi. Mặt khác, thay vì giải quyết thuần túy theo thị trường, cơ chế xử lý trong nhiều trường hợp còn mang tính mệnh lệnh và chú trọng cân nhắc về tác động xã hội. Do đó, nhiều phương án xử lý nợ xấu kéo dài nhiều năm, có trường hợp đến 10 năm vẫn chưa giải quyết xong.

DATC hiện là DN 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Để tăng cường năng lực hoạt động của DATC, Bộ Tài chính đã đề xuất xây dựng Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC với một số điểm mở rộng hơn về phạm vi và chức năng hoạt động cho DN này. Sau hơn một năm xây dựng, Nghị định này dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2019.

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Nghị định nói trên là việc cho phép DATC mở rộng việc xử lý nợ từ các DN có 50% vốn nhà nước trở lên sang cả các DNNN không thuộc danh mục Nhà nước cần nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa, cho phép DATC được thực hiện bảo lãnh vốn và hỗ trợ tài chính cho các DN thực hiện tái cơ cấu nợ. Tuy nhiên, điều này gây nghi ngại về sự bất bình đẳng giữa các chủ thể thực hiện xử lý nợ xấu trên thị trường.

Trao đổi với Báo Đấu thầu về điều này, ông Phạm Mạnh Thường nêu quan điểm: “Chính phủ đã có chủ trương phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức, có điều tiết của Nhà nước. Trong giai đoạn đầu, thị trường cần các tổ chức mang tính công cụ như DACT để định hướng và giải quyết các vấn đề khó của thị trường. Thực tế thời gian qua, DATC đã xử lý nhiều khoản nợ xấu mà các công ty mua bán nợ khác không muốn thực hiện. Đến nay, thị trường đã phát triển hơn với sự phân hóa về phân khúc thị trường ngày càng rõ rệt. Các công ty mua bán nợ tư nhân chủ yếu xử lý các khoản nợ xấu nhỏ, các công ty mua bán nợ của các ngân hàng chủ yếu xử lý nợ xấu của bản thân ngân hàng. DATC cần được mở rộng thêm phạm vi hoạt động để tăng hiệu quả xử lý nợ xấu các DN khác”.

Chuyên đề