Để hạ lãi suất, phải ổn định kinh tế vĩ mô

(BĐT) - Trong những tháng còn lại của năm 2016, chính sách tiền tệ bám theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ được theo đuổi.
Lạm phát tăng sẽ tác động tiêu cực lên tỷ giá và lãi suất. Ảnh: Lê Tiên
Lạm phát tăng sẽ tác động tiêu cực lên tỷ giá và lãi suất. Ảnh: Lê Tiên

Không còn nhiều dư địa hạ lãi suất

Tại phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định nhiệm vụ tăng trưởng đạt 6,7% của năm 2016 là khó khăn, nhưng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là còn thời gian, còn cơ hội thì còn cố gắng, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Giới phân tích cho rằng, quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang đặt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dưới rất nhiều áp lực. Không khó để có thể nhận thấy công tác chính sách tiền tệ lúc này đang phải đối mặt với bài toán làm thế nào để vừa giảm được lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp (DN), vừa phải kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá. Nếu lạm phát tăng sẽ tác động tiêu cực lên tỷ giá và lãi suất. Và kịch bản này nếu xảy ra thì khi đó NHNN sẽ buộc phải tăng lãi suất để hút tiền, đồng thời sẽ phải đẩy mạnh phát hành tín phiếu NHNN nhằm giảm nguy cơ đầu cơ ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng.

Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân phân tích, dư địa để giảm lãi suất tuy không còn nhiều nhưng giữ mức lãi suất ở mức ổn định là thông điệp mà DN cần. “Bản thân DN muốn lãi suất huy động xuống và ngân hàng cũng vậy. Ngân hàng cũng là DN cổ phần, chịu áp lực từ cổ đông. Lãi suất huy động cao hay thấp đều là sự mong muốn của các DN và kể cả ngân hàng. Tôi vẫn giữ quan điểm là làm sao hạ lãi suất thấp hơn, cơ sở là phải ổn định kinh tế vĩ mô” - ông Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.

Ở một góc nhìn khác, TS. Trần Du Lịch cũng nhận định, tăng trưởng GDP có thể chững lại một chút trong năm nay cũng không quá lo. Và nếu nguồn tín dụng của ngân hàng vẫn đưa vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thiết yếu và đưa vào trung, dài hạn thì có thể chưa tác động tới GDP năm nay.

GDP năm nay chưa bị tác động

Từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ phải tiếp tục bám theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, và phải phối hợp với chính sách tài khóa để vừa kiểm soát lạm phát, vừa kéo giảm được lãi suất hỗ trợ DN.
Mới đây, NHNN thông tin, đến hết tháng 6, tín dụng nền kinh tế đã tăng 8,16%, trong khi cùng kỳ năm 2015 chỉ tăng 7,08%. Điểm tích cực trong 6 tháng đầu năm là tín dụng trung và dài hạn tăng 9,81%, cao hơn tín dụng chung của nền kinh tế. Do đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng, với tín dụng trung, dài hạn thì sẽ tác động tới GDP năm 2017 - 2018, chứ không tác động tới GDP trong năm nay.

“Tôi không lo việc hấp thụ vốn yếu, vì thực sự những DN làm ăn tốt vẫn đang vay vốn mở rộng đầu tư và lượng vốn đổ vào những DN đó sẽ mang lại kết quả tích cực cho năm sau. Đặc biệt, hiện tín dụng vẫn chủ yếu từ nguồn vốn ngân hàng thương mại, nhất là vốn trung, dài hạn, nên không đáng lo” - ông Lịch phân tích.

Còn TS. Trần Hoàng Ngân thì cho rằng, vấn đề là từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ phải tiếp tục bám theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, và phải phối hợp với chính sách tài khóa để vừa kiểm soát lạm phát, vừa kéo giảm được lãi suất hỗ trợ DN.

Kết quả điều hành những tháng đầu năm cho thấy, chính sách tiền tệ đã đáp ứng được mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát tốt lạm phát. Mục tiêu điều hành các tháng cuối năm của NHNN vẫn là thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát.

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, việc giảm lãi suất ở thời điểm này là vô cùng khó. Chính vì vậy, bằng những nỗ lực như giảm thiểu chi phí quản trị, xử lý nợ xấu, đẩy mạnh xử lý nợ xấu của VAMC, rồi bằng một số công cụ khác như tái cấp vốn, nỗ lực để giữ được lãi suất tương đối ổn định, nếu có tăng thì tăng không đáng kể là điều cần thiết.

Chuyên đề